Năm 2024: Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế
Kết thúc năm 2024, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam cả năm 2024 đạt 7,06%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%).
Quy mô nền kinh tế đạt 460 tỷ USD, tăng gần 7% so với 430 tỷ USD năm 2023, ước tính theo dữ liệu của IMF. GDP/đầu người của Việt Nam năm 2024 đạt 4.650 USD, tăng 300 USD so với năm 2023.
Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,76% so với năm 2023, với khoảng 02 triệu tỷ đồng đã “bơm” vào nền kinh tế, tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng 15%, đưa quy mô tổng dư nợ của toàn nền kinh tế khoảng 15,5 triệu tỷ đồng đến cuối năm 2024.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,63% so với năm trước, đạt chỉ tiêu dưới 4,5% Quốc hội giao.
Trên nền tảng được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô, cán cân thương mại thặng dư 25 tỷ USD, ghi nhận 09 năm liên tiếp Việt Nam xuất siêu ở mức cao, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 đạt kỷ lục 783 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước, theo Bộ Công thương. Trong đó, xuất khẩu cả năm ước đạt 403 tỷ USD, tăng gần 14% so với 2023. Để có được thành tựu này, phải kể đến sự đóng góp tích cực của lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản (62 tỷ USD) và dệt may (43,5 tỷ USD).
Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục “đổ” vào Việt Nam khi tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp đạt 38,2 tỷ USD, đưa tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài mới trong năm 2024 chiếm 8,3% quy mô GDP. Có 15 công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam với tổng số tiền hơn 08 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán vẫn hút dòng tiền của các nhà đầu tư khi tăng thêm 1,8 triệu tài khoản lên mức 9,15 triệu tài khoản, tương đương 9% dân số. Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt mức 69,3% GDP, tương đương 7.085 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cuối năm 2023. Thanh khoản thị trường đạt giá trị giao dịch bình quân đạt 21.225 tỷ đồng/phiên, tăng 20,7% so với năm trước.
Năm 2025: Tiếp tục cơ hội cho xuất khẩu
Triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2025 được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng, dù đối diện nhiều rủi ro.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng 3,2% (bằng với năm 2024). Cả ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UN) đều dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2024, lần lượt là 2,7% và 2,8%.
Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo năm 2025 có tốc độ tăng trưởng 4,7%, bằng với năm 2024.
Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2025. |
Dù vậy, năm 2025 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang duy trì lãi suất chính sách hiện tại từ 4,25%-4,5%, chưa có dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, và dự kiến chỉ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong năm 2025. Đặc biệt, sẽ có nhiều thay đổi chính sách vĩ mô lớn tác động đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam như: thuế, rào cản thương mại, tiền tệ... đến từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donal Trump.
Khủng hoảng Trung Đông dù đang được kiềm chế nhưng chính sách thuế quan và năng lượng của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng khiến giá dầu. Các quy định mới về phát triển bền vững, như: Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu... cũng dựng nên các rào cản thương mại.
Dự báo rủi ro suy giảm thương mại toàn cầu là khá lớn. Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, nền kinh tế Mỹ có khả năng hướng đến “hạ cánh mềm” với tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vì thế cũng sẽ có trở ngại, vì Mỹ hiện là bạn hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu 2024.
“Dù vậy, xuất khẩu và sản lượng sản xuất trong năm 2025 của Việt Nam được kỳ vọng giữ vững, nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định, đảm bảo ngày càng có nhiều nhà máy mới bắt đầu sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mỗi năm”, ông Michael Kokalari nhận định.
Với lợi thế 18 FTA đã ký, các cơ hội lớn trong mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng khi năm 2025 thực thi hiệp định thương mại giữa Việt Nam và UAE (CEPA), ngành Công thương đặt ra mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 12% so với năm 2024.
Nhận định thời cơ của năm 2025, Chính phủ Việt Nam lên kế hoạch tăng trưởng GDP 7%-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công ít nhất 95%; phấn đấu vượt mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025.
Tiêu dùng của người dân Việt Nam năm 2025 sẽ phục hồi khiêm tốn, do thu nhập của người dân chịu nhiều tác động từ tâm lý phòng ngừa trước những rủi ro của nền kinh tế thế giới và trong nước.
Dù vậy, đây cũng là thời điểm để các quốc gia và doanh nghiệp hành động. Tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy đổi mới công nghệ, và xây dựng chính sách đối ngoại phù hợp sẽ là “chìa khóa” để vượt qua các thách thức, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và ổn định lâu dài trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động.