Thời gian gần đây, làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ quốc tế đang tăng cường tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Tiêu biểu là việc Tập đoàn NVIDIA ký kết thỏa thuận hợp tác, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như trung tâm dữ liệu AI.
CEO Nvidia ký tên trên tấm bảng tại Trung tâm vi mạch bán dẫn mới thành lập. |
Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng bán dẫn
Trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động địa chính trị, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Điểu này được thể hiện qua báo cáo tại Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Các tập đoàn lớn như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... đang triển khai kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, mở rộng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh tại đây. Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án FDI trong ngành bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.
Google, trong tháng 12/2024, cũng đã công bố việc thành lập Google Việt Nam để hỗ trợ chuyển đổi số, trong khi Foxconn tuyên bố đầu tư 80 triệu USD vào sản xuất chip tại Bắc Giang. Meta dự kiến mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo, còn SpaceX sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Theo TS. Sam Goundar, giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu. Lý do chính là dân số trẻ hiểu biết công nghệ, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và vị trí địa lý thuận lợi.
Các doanh nghiệp Việt Nam như VinGroup, FPT, Viettel đang tận dụng các cơ hội này. VinGroup chuyển hướng sang công nghệ, nổi bật là VinFast với dự án xe điện và mở nhà máy quốc tế. NVIDIA mua lại VinBrain, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khác trong nước.
FPT hợp tác với NVIDIA trang bị hàng nghìn GPU H100 cho nhà máy AI đầu tiên tại Việt Nam, sẽ cung cấp dịch vụ vào tháng 1/2025. Những doanh nghiệp như Masan, Vinamilk, Thaco... cũng đang gia tăng nghiên cứu, đầu tư nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược phát triển bên vững. Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D), duy trì hợp tác quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp với cách mạng công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả nhất.