Bài liên quan |
Hà Nội công nhận 33 sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022 |
Ngành hàng công nghiệp chủ lực cần khơi thông những nguồn lực mới |
Tháng 1/2025, sản xuất công nghiệp chịu tác động đáng kể của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, dẫn đến số ngày làm việc ít hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 1/2025 giảm 9,2% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng 1,6%, sản xuất và phân phối điện tăng 0,4%, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%. Ngược lại, ngành khai khoáng sụt giảm mạnh 10,4%.
![]() |
Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng mạnh trong tháng đầu năm 2025 |
Một số ngành công nghiệp trọng điểm vẫn duy trì được đà tăng trưởng khả quan. Sản xuất xe có động cơ tăng vọt 33,8%, trong khi các ngành như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,6%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 10,3%, sản xuất trang phục tăng 6,1%, dệt tăng 4,2%. Bên cạnh đó, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,8%, sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 3,5%, chế biến thực phẩm tăng 2,1%.
Tuy nhiên, một số ngành lại chứng kiến sự suy giảm đáng kể. Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm mạnh 29,1%, khai thác than cứng và than non giảm 20,1%, sản xuất thiết bị điện giảm 11,5%, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 8,4%, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 6,5%.
Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong tháng 01/2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Ô tô tăng 60,7%; tivi tăng 50,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,7%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 9,6%; sữa tươi tăng 7,3%; sữa bột tăng 5,7%; quần áo mặc thường tăng 5,0%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Than sạch giảm 20,0%; linh kiện điện thoại giảm 14,1%; xe máy giảm 12,0%; đường kính giảm 10,7%; khí hóa lỏng LPG giảm 9,2%; dầu thô khai thác giảm 8,2%; sơn hóa học giảm 6,8%; thép thanh, thép góc giảm 6,7%.
Trong năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu nâng chỉ số IIP lên khoảng 9-10% so với năm 2024. Triển vọng tăng trưởng của ngành công nghiệp được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ vào sự cải thiện trong các lĩnh vực dệt may, da giày với lượng đơn hàng đã ký kết đủ cho 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, ngành điện, điện tử và linh kiện tiếp tục có nhiều tín hiệu tích cực từ các hoạt động xúc tiến đầu tư. Một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong năm 2025 là sự phát triển của các cụm liên kết ngành, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn lực, chia sẻ công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ những yếu tố này, sản xuất công nghiệp năm 2025 được dự báo sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng ổn định, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo, điện tử và dệt may.