Ngày 7/2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 21 nhằm thẩm tra tờ trình của Chính phủ về đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trình bày tóm tắt đề án, nhấn mạnh rằng năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, yêu cầu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên để tạo nền tảng cho tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo, bắt đầu từ năm 2026. Tuy nhiên, tăng trưởng cần đi đôi với sự bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, và phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng.
Có thể áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án trọng điểm |
Một trong những yếu tố then chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng là phát huy vai trò của các vùng động lực, hành lang kinh tế và các cực tăng trưởng. Theo đó, các địa phương cần đạt mức tăng trưởng GRDP tối thiểu 8-10%, trong đó Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn đóng vai trò đầu tàu, cần đạt mức tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước. Chính phủ cũng đề xuất cơ chế khuyến khích đối với các địa phương có mức tăng trưởng cao và có điều tiết phù hợp về ngân sách trung ương.
Về chính sách, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh việc ban hành các cơ chế, chính sách mạnh mẽ và minh bạch để xử lý tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, khuyến khích cán bộ đổi mới và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh vi phạm và hạn chế tâm lý né tránh trách nhiệm trong bộ máy hành chính.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu đạt tỷ lệ 95% kế hoạch năm 2025. Để đạt được điều này, Chính phủ sẽ áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án quy mô lớn và trọng điểm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ vướng mắc trên các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời đẩy nhanh lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025. Chính sách điều hành tín dụng sẽ đảm bảo cung cấp vốn hiệu quả cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, Chính phủ đề xuất cơ chế "luồng xanh" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là các dự án công nghệ cao. Đồng thời, Tổ công tác sẽ chủ động làm việc với các nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án lớn. Bên cạnh đó, các Ban chỉ đạo, Tổ công tác sẽ được phát huy để giải quyết các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, BT, giao thông, năng lượng tái tạo và bất động sản.
Trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục, cơ chế cho các dự án trọng điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và một số tỉnh thành lớn nhằm giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo động lực quan trọng để nền kinh tế phát triển bứt phá, đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.