Dự án đường sắt cao tốc. Ảnh do AI vẽ. Thực hiện: Ngọc Diệp |
Sơ bộ về dự án
Chính phủ vừa có Tờ trình số 685/TTr-CP gửi Quốc hội đề án chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo tờ trình, trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).
Trong đó ước tính các hạng mục chi phí bao gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 150.148 tỉ đồng (khoảng 5,9 tỉ USD), chi phí xây dựng 846.014 tỉ đồng (khoảng 33,25 tỉ USD), chi phí thiết bị 280.771 tỉ đồng (khoảng 11,03 tỉ USD).
Tiếp đó là chi phí quản lý dự án 20.282 tỉ đồng (khoảng 0,8 tỉ USD), chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 91.946 tỉ đồng (khoảng 3,61 tỉ USD), chi phí khác 22.986 tỉ đồng (khoảng 0,9 tỉ USD), chi phí dự phòng (gồm lãi vay) 301.401 tỉ đồng (khoảng 11,85 tỉ USD)
Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến đầu tư công trình tuyến khoảng 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km.
Chính phủ nêu rõ đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024.
Tổng mức đầu tư được tính theo quy định của pháp luật về xây dựng và các điều kiện kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện nay.
Chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 5,9 tỉ USD sẽ từ ngân sách trung ương. Để giảm gánh nặng cho ngân sách, Chính phủ đề xuất nguồn thu từ quỹ đất vùng phụ cận nhà ga nộp vào ngân sách trung ương 50%, còn lại chính quyền cấp tỉnh được giữ lại 50%.
Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035.
Đề xuất 19 chính sách đặc thù
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành dự án, Chính phủ đề xuất các chính sách nhằm mục tiêu bảo đảm khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, huy động nguồn lực đầu tư; phân cấp phân quyền đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất 19 chính sách đặc thù, chia thành các nhóm sau:
Chính sách 1: về cơ cấu nguồn vốn cho dự án.
Chính sách 2: về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho dự án.
Chính sách 3: về việc thẩm định khả năng cân đối vốn của dự án.
Chính sách 4: về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao.
Chính sách 5: về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.
Chính sách 6: về bãi đổ chất thải rắn xây dựng.
Chính sách 7: về phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng nguồn nhân lực cho dự án.
Chính sách 8: về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Chính sách 9: về phân chia dự án thành phần.
Chính sách 10: về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.
Chính sách 11: về lựa chọn phương án kiến trúc nhà ga thuộc dự án.
Chính sách 12: về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Chính sách 13: về lập thiết kế kỹ thuật tổng thể thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Chính sách 14: về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng.
Chính sách 15: về định mức, khoản mục chi phí.
Chính sách 16: về bố trí vốn cho dự án.
Chính sách 17: về cơ chế, chính sách bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chính sách 18: về ban hành nghị quyết chứa quy phạm pháp luật để hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của dự án.
Chính sách 19: về bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.