Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh, chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thông qua mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường đã được khẳng định trong nhiều Nghị quyết, văn kiện của Đảng và Nhà nước.
Ngay từ Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị khóa VIII (năm 1998) về một số vấn đề nông nghiệp và nông thôn đã xác định: “Về tích tụ ruộng đất, việc chuyển nhượng quyền sử dụng, tích tụ và tập trung ruộng đất là hiện tượng sẽ diễn ra trong quá trình phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn... Việc tích tụ và tập trung ruộng đất phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ của Nhà nước không để quá trình này diễn ra tự phát làm cho người nông dân mất ruộng mà không tìm được việc làm, trở thành bần cùng hóa”.
Mười năm sau đó, đến Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng xác định: “… giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài; mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 tại Đại hội XI của Đảng năm 2011 đã xác định nhiệm vụ phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững: “Khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”.
Tiếp sau đó, đến Nghị quyết 19-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Khóa XI (năm 2012) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai cũng nêu rõ: “Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn”. Nghị quyết 19-NQ/TW là căn cứ xây dựng Luật Đất đai năm 2013. Trong suốt 25 năm qua, Đảng đã có chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với “mở rộng hạn điền”. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, tại nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường “xây dựng chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung quy mô lớn”.
Chính sách mở rộng đối tượng và mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp là những nội dung cốt lõi, trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Điều 171 của dự thảo luật đã mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp (quy định hiện nay là không quá 10 lần; tức dự thảo luật tăng thêm 1,5 lần).
Đồng thời giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Dự thảo luật cũng quy định hạn mức giao đất nông nghiệp, ví dụ với đất trồng cây hàng năm là không quá 3 ha tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha với tỉnh khác.
Như vậy, một cá nhân có thể nhận chuyển nhượng tối đa 45ha đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; quy mô đủ lớn để yên tâm đầu tư vào sản xuất, áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ông Đỉnh cho biết, hiện vẫn có một số ý kiến cho rằng cần phải bỏ hẳn “hạn điền”, nếu không, việc thực hiện tích tụ ruộng đất sẽ khó được thực hiện. Đây là ý kiến có cơ sở. Tuy nhiên, trước mắt chỉ nên mở rộng dần “hạn điền” để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, tránh gây xáo trộn, mất ổn định, trước khi tiến tới xóa bỏ hoàn toàn trong lần sửa đổi sau.
“Điểm rất đáng ghi nhận tại dự thảo luật là quy định mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Luật hiện hành quy định những cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và các tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã “mở cửa”, cho phép nhóm đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và các tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn”, ông Đỉnh nói.
Cũng theo ông Đỉnh, một số ý kiến đang lo ngại việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp đồng thời mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ làm nảy sinh tầng lớp “địa chủ mới”, chiếm dụng đất đai rộng đến mức “cò bay gãy cánh” và đẩy người nông dân vào cảnh “bần cùng”, đặc biệt là không đảm bảo đất sản xuất cho nông dân ở vùng dân tộc thiểu số.
“Theo tôi, đề xuất này rất đáng hoan nghênh và cần được khuyến khích, bởi vì, các “địa chủ mới” này sau khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa buộc phải sử dụng đất theo đúng mục đích để trồng lúa, không được chuyển mục đích sang sử dụng cho mục đích khác. Quan trọng hơn, vẫn là tư liệu sản xuất ấy - tức là thửa đất trồng lúa - nhưng được giao cho người có năng lực tài chính, có khả năng áp dụng khoa học công nghệ, sẽ đẩy mạnh hiệu quả sản xuất”, ông Đỉnh nói.
Ông Đỉnh phân tích thêm: Nếu muốn chuyển mục đích sử dụng đất, ví dụ chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc sang mục đích phi nông nghiệp, phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các công cụ kiểm soát khác, gồm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng. Tức là, không dễ dàng để gom đất lúa và chuyển sang loại đất có giá trị cao hơn nhằm kiếm lời.
Với chủ thể doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, Điều 49 của dự thảo quy định doanh nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được ủỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Như vậy, dự thảo luật đã đề ra công cụ quản lý chặt chẽ khi cho phép mở rộng hạn điền gắn với mở rộng đối tượng được sử dụng đất trồng lúa.
Hoài Anh