Theo Bộ Tài chính, thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đạt từ 15-20% mỗi năm. Dự kiến năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam sẽ vượt 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của thương mại điện tử cũng làm gia tăng nguy cơ trốn thuế do các cá nhân, tổ chức lợi dụng hình thức kinh doanh xuyên biên giới. Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần trụ sở, thực hiện giao dịch qua phương thức điện tử, với máy chủ đặt ở nước ngoài, gây khó khăn trong việc xác định danh tính người nộp thuế, tính thuế và kiểm soát dòng tiền.
Trước thực trạng này, dự thảo Nghị định mới về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử đã được trình Chính phủ nhằm đảm bảo hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn và cam kết quốc tế.
![]() |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. |
Theo dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ tại công văn số 6289/BTC-TCHQ ngày 20/6/2023, các đối tượng được miễn thuế nhập khẩu bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 2 triệu đồng trở xuống. Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan trên 2 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200.000 đồng. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế với tổng giá trị không quá 96 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, trên cơ sở thực tế, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh chính sách thuế như sau: Loại bỏ quy định miễn thuế theo số tiền thuế tối thiểu. Giảm mức giá trị miễn thuế từ 2 triệu đồng xuống còn 1 triệu đồng. Giảm tổng định mức miễn thuế từ 96 triệu đồng xuống còn 48 triệu đồng/năm.
Do đó, đề xuất quy định mới về chính sách thuế đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử như sau:
Hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu, với tổng trị giá miễn thuế không vượt quá 48 triệu đồng/năm đối với mỗi tổ chức, cá nhân.
Ngoài quy định miễn thuế nhập khẩu trên, các chính sách thuế khác áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế.
Hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh được áp dụng theo quy định này, không áp dụng theo khoản 2 Điều 29 Nghị định 134/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP).
Theo dự thảo, các trường hợp miễn giấy phép, điều kiện và kiểm tra chuyên ngành được đề xuất như sau:
Hàng hóa xuất nhập khẩu được miễn giấy phép, điều kiện và kiểm tra chuyên ngành theo quy định pháp luật về quản lý ngoại thương và các luật chuyên ngành.
Có 2 phương án đề xuất. Phương án 1: Hàng hóa thuộc danh mục miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo quyết định của Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Phương án 2: Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống (trừ các mặt hàng như hàng cần kiểm dịch, hàng thuộc danh mục quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phế liệu nhập khẩu) được miễn giấy phép, điều kiện và kiểm tra chuyên ngành, với tổng giá trị miễn không quá 48 triệu đồng/năm mỗi tổ chức, cá nhân.
Các trường hợp miễn trên không áp dụng khi có cảnh báo về an toàn thực phẩm, dịch bệnh, môi trường, an ninh quốc gia, hoặc khi có văn bản thông báo dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra chuyên ngành.
Cấm các tổ chức, cá nhân thu gom hàng hóa để lợi dụng chính sách miễn giấy phép, điều kiện và kiểm tra chuyên ngành.
Việc điều chỉnh các quy định trên nhằm đảm bảo công bằng trong quản lý thuế, hạn chế thất thu ngân sách, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển lành mạnh.