Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD |
Theo báo cáo từ hội nghị tổng kết của Bộ Công Thương chiều 23/12, thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ lượng lớn hàng hóa, nông sản cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng kênh bán này. Cùng với đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm nay, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Số này cao hơn so với dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company đưa ra tại báo cáo "e-Economy SEA 2024". Như vậy, trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Việt Nam đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Điều này tạo động lực phát triển kinh tế, dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Việc tổ chức thành công Online Friday đã góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.
Công tác quản lý nhà nước ngày càng được chú trọng, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Năm nay, cùng với sự gia nhập của các sàn thương mại điện tử quốc tế như Temu, Shein, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tổng số thuế từ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử trong 11 tháng của năm 2024 đã đạt khoảng 108.000 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này không chỉ thể hiện sự phát triển của ngành thương mại điện tử mà còn chứng minh rằng Việt Nam đang trở thành một thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp nước ngoài.
Bên cạnh đó, thị trường thương mại điện tử trong nước cũng chứng kiến sự lớn mạnh của các sàn như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.
Tuy có bước phát triển vượt bậc, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết mô hình TMĐT ngày càng phức tạp, đa dạng và chưa có quy định điều chỉnh riêng biệt.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận còn gặp khó trong quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới do các quy định chưa đủ mạnh. Tình trạng này khiến nhiều nền tảng xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý chính thức như Temu, Shein thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát hàng giả, kém chất lượng còn phức tạp trong bối cảnh những vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi.
Chia sẻ thêm về khía cạnh này, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, lực lượng đã kiểm soát và phát hiện, xử lý nhiều vụ việc lớn trong hình thức kinh doanh bán hàng qua livestream.
Với riêng các vụ việc liên quan đến TMĐT, Hà Nội đã phát hiện 617 vụ, phạt 9,6 tỷ đồng và thu giữ số tang vật trị giá khoảng 3,6 tỷ đồng. Điển hình nhất là vụ kiểm tra kho hàng bán qua livestream của bà Nguyễn Hoàng Mai Ly (chủ tài khoản Mailystyle).
Theo ông Kiên, tài khoản này có thể livestream bán hàng thu về hàng tỷ đồng/ngày. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu giữ 126.000 sản phẩm, tương đương hơn 20 tỷ đồng tiền hàng.
Để đảm bảo xử lý các vi phạm của cá nhân bà Nguyễn Hoàng Mai Ly đúng quy định pháp luật, Cục QLTT Hà Nội đã họp với các đơn vị liên quan thống nhất chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông.