 |
Kinh tế số và công nghệ chiến lược: Lối đi tất yếu cho mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam |
Trong bối cảnh Việt Nam đang tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới cho giai đoạn 2026-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế số và công nghệ chiến lược đang nổi lên như hai lực đẩy chủ lực, hứa hẹn là động lực chính để nâng cao năng suất, hiệu quả tăng trưởng và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Kinh tế số cần một chiến lược tăng trưởng thực chất
Tại Diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045” diễn ra mới đây, GS.Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định, nếu như 5-10 năm trước, các khái niệm như "tăng trưởng số", "chuyển đổi số", "kinh tế số" còn khá mới mẻ thì thời gian gần đây, số lượng nghiên cứu, báo cáo, bài viết về chủ đề này đã tăng theo cấp số nhân. Một cột mốc đáng chú ý là năm 2021, báo cáo kinh tế số đầu tiên của Việt Nam do tổ chức CSIRO (Úc) phối hợp với các cơ quan Việt Nam thực hiện đã đánh dấu bước khởi đầu chính thức cho việc nghiên cứu và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế số. Báo cáo đưa ra các kịch bản tăng trưởng, trong đó mức thấp nhất, kinh tế số đóng góp 0,5% vào tăng trưởng GDP nếu giữ nguyên hiện trạng; cao nhất là 1,1% nếu đẩy mạnh chuyển đổi số.
Tiếp nối, năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tác động của kinh tế số tới năng suất lao động - một chỉ số đang còn nhiều hạn chế dù kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh. Kết quả cho thấy, tùy ngành và mức độ ứng dụng, kinh tế số có thể đóng góp từ 8% đến 20% tổng năng suất lao động. Cùng với đó, cơ sở dữ liệu Radiometric ghi nhận số lượng công bố quốc tế của người Việt liên quan đến kinh tế số tăng đột biến. Các nghiên cứu sinh, sinh viên chọn đề tài về kinh tế số tại các trường đại học lớn cũng tăng mạnh.
"Điều này cho thấy không chỉ các nhà khoa học mà cả các cấp hoạch định chính sách đều quan tâm mạnh mẽ đến chủ đề này. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng nghị quyết về chuyển đổi số, gắn với mục tiêu phát triển địa phương theo định hướng của Đại hội Đảng", GS.Trần Thọ Đạt đánh giá.
 |
GS.Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân |
Lần đầu tiên trong các văn kiện chiến lược quốc gia, Việt Nam đã chính thức đưa khái niệm “tăng trưởng số” vào nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội với các mục tiêu cụ thể. Cụ thể, Việt Nam xác định kinh tế số là 1/3 trụ cột trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến 2025, tầm nhìn 2030. Hiện nay, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 13,17% (năm 2024), tăng nhẹ từ mức 12,66% vào năm 2020. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu đến từ khu vực dịch vụ (tăng từ 6,53% lên 7,15%), trong khi công nghiệp - xây dựng có xu hướng giảm nhẹ, còn khu vực nông nghiệp gần như "dẫm chân tại chỗ", chỉ dao động 0,05–0,06%. Sự phân hóa này cho thấy quá trình số hóa đang thiếu tính đồng bộ, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp.
"Việt Nam đang sở hữu những lợi thế như dân số trẻ, nền tảng công nghệ thông tin khá phát triển và sự bùng nổ các nghiên cứu về kinh tế số trong nước lẫn quốc tế. Song, tốc độ phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng", GS.Trần Thọ Đạt chia sẻ.
Dẫn chứng về kinh nghiệm quốc tế, GS.Trần Thọ Đạt nhấn mạnh đến Trung Quốc, nơi có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Hiện tại, tỷ trọng kinh tế số của Trung Quốc đã đạt 45% GDP, gấp đôi Mỹ. Các nước như Ấn Độ (với sáng kiến India Stack), Indonesia và Malaysia (với chiến lược MyDigital) cũng có nhiều bài học hay. Quay trở lại Việt Nam, chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực có chiến lược chuyển đổi số quốc gia (từ năm 2020 với Quyết định 749). Riêng với kinh tế số, có các mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, thậm chí là 2045 với mục tiêu kinh tế số chiếm 50% GDP.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đó, GS.Trần Thọ Đạt nhấn mạnh, chúng ta cần vượt qua "nghịch lý Solow" - khi đầu tư vào công nghệ tăng mạnh nhưng năng suất lao động chỉ cải thiện chậm. Trong thế kỷ 20, đầu tư vào công nghệ thông tin tăng gấp 10 lần nhưng năng suất chỉ tăng gấp đôi. Gần đây, người ta cũng đặt vấn đề liệu đầu tư vào AI có thực sự làm tăng năng suất không, khi có tới 90% doanh nghiệp chuyển đổi số được cho là thất bại. Lý do là họ còn dè dặt, chậm chạp và thiếu hiệu quả trong quá trình triển khai. Thêm vào đó, khoảng cách số giữa các địa phương ngày càng rõ rệt, các tỉnh có công nghiệp công nghệ cao như Bắc Ninh, Bắc Giang dẫn đầu với tỷ trọng kinh tế số trên 40%, trong khi nhiều tỉnh khác không vượt quá 6%. Điều này đặt ra yêu cầu về chính sách đồng đều và thiết kế giải pháp phù hợp từng vùng.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Việt Nam một cách thực chất và bền vững, GS.Trần Thọ Đạt đề xuất một loạt giải pháp toàn diện, mang tính chiến lược. Trước tiên, cần hoàn thiện thể chế và các chính sách hỗ trợ nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các hoạt động kinh tế số. Song song đó là việc phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ và đảm bảo an toàn, từ mạng viễn thông, trung tâm dữ liệu đến các nền tảng số quốc gia.
Một trụ cột quan trọng khác là phát triển nguồn nhân lực số và nâng cao kỹ năng số toàn dân, giúp người lao động thích nghi với môi trường làm việc mới trong nền kinh tế số. Cùng với đó, Việt Nam cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái công nghệ số nội địa vững mạnh, nơi doanh nghiệp công nghệ trong nước đóng vai trò trung tâm. Cuối cùng, để kinh tế số không trở thành cuộc chơi của riêng một số khu vực, cần có các chính sách thiết thực nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ tiến trình chuyển đổi số.
Mô hình 'Ngũ giác vàng': Lời giải cho tăng trưởng đột phá trong kỷ nguyên số
Đồng quan điểm, cũng tại Diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045”, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới dựa trên công nghệ chiến lược, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và nâng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông cho biết, Chính phủ đã có bước đi cụ thể với việc ban hành Quyết định 1131/QĐ-TTg (ngày 12/6/2025) xác định 11 nhóm công nghệ chiến lược, đồng thời thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (có hiệu lực từ 1/10/2025). Đây là lần đầu tiên đổi mới sáng tạo được pháp điển hóa như một lĩnh vực độc lập, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ.
Luật mới này cũng thể hiện tư duy quản lý đổi mới, khi chuyển từ kiểm soát đầu vào sang hậu kiểm, mở rộng cơ chế sandbox để thử nghiệm chính sách, đồng thời tăng cường quyền tự chủ cho viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều chính sách ưu đãi mang tính đột phá đã được mở ra để thu hút nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ và các trung tâm đổi mới sáng tạo, bao gồm miễn thuế, hỗ trợ tài chính và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như AI, bán dẫn, dữ liệu lớn, tài sản số.
Để hiện thực hóa tầm nhìn và các khuôn khổ pháp lý này, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng đã đề xuất nhiều giải pháp đột phá nhằm hiện thực hóa mô hình tăng trưởng mới dựa trên công nghệ chiến lược.
Trước hết, cần định hướng lựa chọn các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu lớn, công nghệ nông nghiệp - thực phẩm, năng lượng tái tạo - vật liệu xanh, y sinh và dược phẩm. Mỗi lĩnh vực đều có mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như đào tạo 50.000 chuyên gia AI, xuất khẩu 50 tỷ USD nông sản chế biến sâu, 40% điện năng từ nguồn tái tạo hay tự chủ 50% vaccine thiết yếu.
Về hạ tầng nghiên cứu, cần thành lập Hội đồng Công nghệ Chiến lược Quốc gia do Thủ tướng đứng đầu, xây dựng 4 viện công nghệ quốc gia cùng mạng lưới 20 phòng thí nghiệm trọng điểm và hệ thống siêu máy tính phục vụ nghiên cứu AI.
 |
Trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là lĩnh vực then chốt trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. |
Bên cạnh đó, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với ba trụ cột: cơ chế tài chính đột phá (như tăng chi nghiên cứu và phát triển R&D lên 1-1,5% GDP, thành lập Quỹ Đổi mới Công nghệ 3 tỷ USD, miễn thuế nhập khẩu thiết bị R&D…), phát triển nhân lực (đào tạo 100.000 chuyên gia, cấp học bổng, visa vàng, đãi ngộ cao) và cải cách thể chế (cơ chế sandbox, one-stop service, bảo hộ sở hữu trí tuệ nhanh…).
"Để triển khai hiệu quả, Việt Nam cần áp dụng mô hình 'Ngũ giác vàng' gồm 5 chủ thể phối hợp: Chính phủ - định hướng và đầu tư hạ tầng; doanh nghiệp - thương mại hóa và tạo việc làm; viện/trường - nghiên cứu và đào tạo; quỹ đầu tư - cung cấp vốn mạo hiểm và đối tác quốc tế - chuyển giao công nghệ, kết nối thị trường", PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ tin tưởng rằng, với những định hướng, kiến nghị và giải pháp đột phá này, Việt Nam sẽ tạo ra một cú hích mạnh mẽ, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới, khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới.