Bài liên quan |
Thái Bình sáp nhập vào Hưng Yên: Cơ hội lớn để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt tốc |
Thanh Hóa: Hàng loạt ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Ngành dệt may từ lâu đã khẳng định vị thế là một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực và là động lực kinh tế quan trọng của Việt Nam. Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 44 tỷ USD trong năm 2024, dệt may không chỉ đóng góp lớn vào GDP quốc gia mà còn là ngành sử dụng lực lượng lao động nhiều nhất trong tất cả các ngành kinh tế của cả nước.
Cơ hội từ thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chia sẻ tại tọa đàm trong sự kiện ký kết đối tác chiến lược giữa Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling Việt Nam, diễn ra mới đây, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – đã đưa ra những phân tích toàn diện về bức tranh hiện tại và hướng phát triển tương lai của ngành.
Theo ông Cẩm, hiện nay có hơn 16.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may. Nếu tính cả lao động ngoài khu vực doanh nghiệp như các cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể, tổng số lao động trong ngành lên đến khoảng 3,4 triệu người. Đáng chú ý, trong số hơn 16.000 doanh nghiệp này có tới 93,2% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
![]() |
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ về cơ hội lớn của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành dệt may trên sàn thương mại điện tử |
Ông Trương Văn Cẩm cho rằng, xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, thể hiện sự năng động, sáng tạo và quyết tâm, từ đó gặt hái những thành công bước đầu. Việc tận dụng các nền tảng thương mại điện tử giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng quốc tế mà không cần phải thông qua chuỗi phân phối truyền thống.
Tuy nhiên, ông Cẩm cũng chỉ rõ rằng, song song với cơ hội là hàng loạt thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt, bao gồm: mức độ cạnh tranh gay gắt trên thị trường toàn cầu; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn do hạn chế về quy mô; và áp lực từ các yếu tố vĩ mô như thuế đối ứng, chiến tranh thương mại và xung đột địa chính trị.
Chiến lược nâng tầm doanh nghiệp dệt may Việt Nam
Để vượt qua những rào cản hiện tại và tận dụng hiệu quả tiềm năng từ thương mại điện tử, ông Trương Văn Cẩm đã đề xuất một số định hướng chiến lược dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dệt may, đó là: Tận dụng lợi thế linh hoạt và tốc độ chuyển đổi. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng thích ứng nhanh, dễ dàng ứng dụng công nghệ mới. Đây là lợi thế cạnh tranh cần được phát huy mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm dựa trên bản sắc truyền thống: Việc kết hợp nguyên phụ liệu truyền thống với kỹ thuật thủ công sẽ tạo ra các sản phẩm độc đáo, góp phần khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đồng thời tập trung vào thiết kế riêng: Doanh nghiệp cần vượt qua vai trò đơn thuần là đơn vị gia công, chuyển hướng sang phát triển thiết kế mang phong cách riêng, từ đó tạo dấu ấn thương hiệu rõ nét.
Ngoài ra, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới: Nhu cầu thị trường đang thay đổi theo hướng cá nhân hóa sản phẩm, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh. Các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng để giữ chân khách hàng.
Chuyển dịch từ gia công sang làm chủ thiết kế và thương hiệu: Đây là chiến lược then chốt để gia tăng giá trị. Theo ông Cẩm, dù việc đầu tư vào thiết kế và phát triển thương hiệu có thể tốn kém, nhưng lợi nhuận mang lại sẽ hoàn toàn xứng đáng, giúp doanh nghiệp vươn lên làm chủ cuộc chơi trên thị trường quốc tế.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là phát triển kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Ông Cẩm cho biết, Amazon là một trong những nền tảng được nhiều doanh nghiệp thành viên lựa chọn để thử sức và đã ghi nhận những tín hiệu tích cực.
VITAS tin rằng, với sự đồng hành của hiệp hội và nỗ lực thích ứng của doanh nghiệp, ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu toàn cầu, không chỉ thông qua năng lực sản xuất, mà còn bằng năng lực sáng tạo, làm chủ thương hiệu và khai thác hiệu quả kênh thương mại điện tử trong thời đại số.