Trong khuôn khổ Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) diễn ra tại Thượng Hải từ ngày 26–28/7, các công ty AI hàng đầu Trung Quốc đã công bố hai liên minh công nghiệp lớn, nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt công nghệ từ Mỹ và xây dựng một hệ sinh thái AI khép kín trong nước.
![]() |
Doanh nghiệp AI Trung Quốc bắt tay xây dựng hệ sinh thái nội địa |
Liên minh đầu tiên có tên gọi “Liên minh Đổi mới Hệ sinh thái Chip – Mô hình” (Model-Chip Ecosystem Innovation Alliance), quy tụ các nhà phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và nhà sản xuất chip AI nội địa như Huawei, Biren, Moore Threads và Enflame – tất cả đều bị Mỹ hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến liên quan đến Nvidia.
Theo ông Zhao Lidong, CEO của Enflame, liên minh này “liên kết toàn bộ chuỗi công nghệ từ phần cứng, mô hình đến hạ tầng AI”. Liên minh do công ty phát triển mô hình StepFun đứng ra khởi xướng.
Liên minh thứ hai, mang tên Ủy ban AI thuộc Phòng Thương mại Tổng hợp Thượng Hải, có mục tiêu “thúc đẩy tích hợp sâu rộng AI vào chuyển đổi công nghiệp”. Các thành viên gồm SenseTime – công ty từng bị Mỹ trừng phạt vì công nghệ nhận diện khuôn mặt, nay đã chuyển trọng tâm sang AI tổng quát, cùng với StepFun, MiniMax, Metax và Iluvatar CoreX.
Tâm điểm tại hội nghị năm nay là hệ thống điện toán AI CloudMatrix 384 của Huawei, tích hợp 384 chip Ascend 910C thế hệ mới, được cho là vượt trội so với hệ thống GB200 NVL72 của Nvidia trên một số chỉ số, theo hãng nghiên cứu SemiAnalysis của Mỹ.
Dù từng bị nghi ngờ về hiệu năng chip đơn lẻ, Huawei đã bù đắp bằng năng lực thiết kế hệ thống tiên tiến và kết nối hàng trăm chip hiệu quả, tạo nên hiệu suất vượt trội trong các trung tâm dữ liệu quy mô lớn. Đây được xem là một bước tiến chiến lược nhằm đối trọng với Nvidia khi Trung Quốc bị cắt nguồn cung GPU cao cấp.
Ngoài Huawei, ít nhất 6 công ty công nghệ khác của Trung Quốc cũng trình làng các hệ thống "clustering" (tổ hợp chip). Metax giới thiệu AI Supernode sử dụng 128 chip C550, phục vụ trung tâm dữ liệu tản nhiệt bằng chất lỏng – hướng đến mô hình AI đòi hỏi hiệu năng cực cao.
![]() |
Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) diễn ra tại Thượng Hải từ ngày 26–28/7 |
Không chỉ tập trung vào hạ tầng, các tập đoàn công nghệ lớn như Tencent, Baidu, Alibaba cũng đồng loạt ra mắt sản phẩm AI ứng dụng.
Tencent công bố Hunyuan3D World Model 1.0 – nền tảng mã nguồn mở cho phép tạo dựng môi trường 3D tương tác chỉ từ văn bản hoặc hình ảnh. Trong khi đó, Baidu ra mắt công nghệ “digital human” thế hệ mới, giúp doanh nghiệp tạo người dẫn livestream ảo chỉ sau 10 phút ghi hình, với khả năng tái tạo giọng nói, cử chỉ và biểu cảm sinh động.
Alibaba trình làng kính thông minh Quark AI Glasses tích hợp mô hình Qwen AI. Sản phẩm dự kiến phát hành vào cuối năm 2025 tại Trung Quốc, hỗ trợ định vị qua bản đồ, thanh toán Alipay bằng lệnh thoại và nhận dạng mã QR – mở rộng hướng đi mới trong xu hướng thiết bị đeo thông minh.
![]() |
![]() |
![]() |