Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động ra sao lên tỷ giá và thương mại Việt Nam?

00:00 12/10/2020

Đó là vấn đề được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam” do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM tổ chức ngày 24/10.

Nếu không được kiểm soát và ngăn chặn, hàng chuyển tải có thể trở thành cớ để Hoa Kỳ trừng phạt Việt Nam. Ảnh: N.Hiền

Áp lực lên tỷ giá

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Trường Đại học Fullbright Việt Nam đánh giá, trong hai đợt áp thuế đầu tiên của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc, những ảnh hưởng trực tiếp lên thương mại là rất nhỏ. Nguyên nhân là do những sản phẩm bị đánh thuế là hàng trung gian gồm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải… chứ không phải hàng tiêu dùng. Vì vậy, nếu Trung Quốc không xuất được sang Mỹ thì cũng khó tìm đường đến châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường tiền tệ lại chịu tác động lớn nhất của việc áp thuế đợt 1. Đồng NDT xuống giá nhanh kể từ khi khả năng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện rõ, từ mức 6,3 NDT/USD vào cuối tháng 3 lên 6,9 NDT/USD vào đầu tháng 10, tức là mất giá 9,5%. 

Trong bối cảnh đó, NHNN Việt Nam đã cương quyết ổn định tỷ giá. Nhưng việc NDT xuống giá so với USD có nghĩa là VND lên giá so với NDT. Điều này tạo ra sức ép tỷ giá giữa VND và USD.

Theo đó, tỷ giá USD/VND của các ngân hàng thương mại đều đã nhích lên trong thời gian qua. Chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do cũng xuất hiện. Với dự trữ trên 63 tỷ USD hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp mạnh để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, nếu quá cứng nhắc và chiến tranh thương mại còn leo thang nữa thì đến lúc buộc phải điều chỉnh thì mức điều chỉnh sẽ lớn và gây xáo trộn trên thị trường. Có thể hiểu động thái điều chỉnh tỷ giá USD/VND vừa qua của NHNN là dựa theo tín hiệu của thị trường và căn cứ vào những tác động từ bên ngoài.

Theo đó, chính sách tỷ giá nên theo hướng không để VND lên giá hay xuống giá quá nhiều so với mức bình quân của 8 đồng tiền là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam (USD, EUR, NDT, JPY, KRW, TWD, SGD và THB). Tính tới cuối tháng 8, so với rổ 8 đồng tiền này, VND mới chỉ lên giá 0,76% kể từ đầu năm.

Nhiều rủi ro cho DN và cả nền kinh tế

So với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế trong đợt 3, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam cũng xuất khẩu sang Hoa Kỳ có giá trị khoảng 13 tỷ USD. Trong đó đồ gỗ nội thất chiếm 36,7%, vali – túi xách chiếm 8,8% và nông thủy sản là 22,1%. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này sang Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất hàng cho thị trường nội địa sẽ phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập vào.

TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC khuyến cáo, để nắm bắt được cơ hội ở thị trường Mỹ đồng thời giữ vững được thị trường trong nước, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí để có giá thành cạnh tranh.

Đặc biệt, một rủi ro lớn là việc hàng Trung Quốc chuyển tải qua Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể là nhập xuất đơn giản hay phức tạp hơn là có thể chế biến giả tạo thông qua DN nội địa hay FDI ở Việt Nam. Hàng chuyển tải nếu không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Hoa Kỳ trừng phạt Việt Nam.

Theo đó, ông Lịch lưu ý cộng đồng DN không nên vì lợi ích cá nhân mà làm hại cả đất nước. Ngoài ra, ngày cả trong các FTA đã ký kết, các ưu đãi đều có điều kiện ràng buộc về xuất xứ hàng hóa, tỷ lệ nội địa hóa… Do đó, Nhà nước cần ban hành các chuẩn mực để kiểm tra và tự mình kiểm tra về các tiêu chí trên để tránh rủi ro về sau.

Mới đây, trường hợp thép Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc là một ví dụ khi bị Mỹ đánh thuế lên đến 450% (gồm 199,76% thuế chống phá giá và 256,44% thuế đối kháng). Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra thì các doanh nghiệp bị trừng phạt là ở Việt Nam và không chỉ doanh nghiệp mà cả nhóm sản phẩm. Không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín và dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất lớn.

Hiện Việt Nam đang đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (32 tỷ USD theo tính toán của Hải quan Việt Nam, 38 tỷ USD theo phía Hoa Kỳ năm 2017), chỉ sau Trung Quốc (376 tỷ USD), EU (151 tỷ USD), Mexico (71 tỷ USD) và Nhật Bản (69 tỷ USD). Hiện Trung Quốc, EU và Mexico đều đã bị Hoa Kỳ thực hành chính sách áp thuế nhập khẩu. Nhật Bản cũng đang chịu sức ép để đàm phán thương mại với Hoa Kỳ nếu không sẽ bị Hoa Kỳ áp thuế đối với xe ô tô.

Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở đứng thứ 7 trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 200% GDP. Nếu bị Hoa Kỳ đánh thuế trừng phạt, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nền kinh tế EU, Mexico, Nhật Bản hay Trung Quốc”.

“Việc chuẩn bị cơ sở vững chắc để chứng minh Việt Nam không can thiệp tỷ giá để nâng cao tính cạnh tranh của xuất khẩu, các nỗ lực điều chỉnh để quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp Việt Nam tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ” – ông Thành lưu ý.

Ngoài ra, tác động tiêu cực tới chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực chắc chắn sẽ có. Tỷ trọng hàng chịu thuế trừng phạt lớn nhất là ở máy móc thiết bị cơ khí, điện điện tử, vốn là những hoạt động thương mại, chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, tỷ trọng lớn thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. Với chính sách đa dạng hóa sản xuất, họ đều đã có nhà máy lắp ráp ở nhiều nơi chứ không riêng gì Trung Quốc.

Tác động sẽ không quá tiếu cực khi các tập đoàn này điều chỉnh suôn sẻ hoạt động sản xuất giữa các nhà máy của họ trên toàn cầu trong ngắn hạn.

Về trung hạn, họ cũng sẽ có điều chỉnh đối với FDI đầu tư nhà máy mới. Đây có thể lại trở thành yếu tố tích cực cho Việt Nam khi dòng vốn FDI chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi vào ngày 24/9, chính quyền Hoa Kỳ quyết định áp thuế với thuế suất 10% đánh vào hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có các mặt hàng tiêu dùng như đồ nội thất, vali – túi xách, thủy sản và nông sản.

Như vậy, tính cả ba đợt, giá trị hàng Trung Quốc chịu thuế trừng phạt của Hoa Kỳ là 250 tỷ USD, gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ Donald Trunp còn tuyên bố rằng nếu đàm phán thương mại giữa hai bên không có kết quả, thì đến cuối năm, mức thuế sẽ tăng từ 10% lên 25% và sau đó là toàn bộ hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc (267 tỷ USD)

Nguyễn Hiền