Xoay trục, giải tỏa sức ép
PV: Thưa bà, có ý kiến cho rằng VBS 2019 là cơ hội để Việt Nam quảng bá môi trường đầu tư, từ đó thu hút vốn đầu tư FDI hiệu quả hơn. Bà nhận định như thế nào về điều này?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi cho rằng VBS 2019 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, tìm kiếm đối tác kinh doanh và cũng là dịp để doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu thêm về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Đây cũng lúc Việt Nam cần phải lựa chọn dòng vốn và những nhà đầu tư tiềm năng, trong đó cần đặc biệt chú ý đến vấn đề trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, và cam kết chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức thương mại quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Đây là lúc kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, nên cũng là cơ hội để Việt Nam sắp xếp lại quan hệ trong kinh tế đối ngoại với các đối tác.
VBS 2019 có một điểm nhấn đáng chú ý là rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự, điều này cũng cho thấy đang có sự dịch chuyển về thị trường đầu tư của dòng vốn đến từ các quốc gia này từ tác động của thương chiến Mỹ - Trung, và cũng cho thấy Việt Nam đang là môi trường đầu tư được họ chú ý đến.
Bà đánh giá thế nào về vai trò của vốn FDI trong thời gian qua?
Trong những năm qua, vốn đầu tư FDI đã có nhiều đóng góp vào kinh tế Việt Nam, điều này đã được thừa nhận rộng rãi và ngay cả Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị mới đây cũng đã khẳng định sự đóng góp này. Một phần nữa là chuyển giao công nghệ qua các doanh nghiệp FDI, đã phần nào đó giúp các doanh nghiệp trong nước học hỏi được kinh nghiệm quản lý, khoa học, tổ chức sản xuất và qua đó đã trưởng thành lên rất nhiều.
Phải khẳng định rằng Việt Nam vẫn rất cần phải thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi ngay cả ở những nước tiên tiến nhất như Mỹ, Nhật Bản… chính sách thu hút FDI vẫn rất quan trọng. Việt Nam lại là nước đang phát triển, đang rất cần bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn dựa trên khoa học, công nghệ để tạo ra những đột phá về năng suất lao động, càng phải tiếp tục cố gắng thu hút FDI.
Nhưng tôi cho rằng, hiện nay Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn về kinh tế đối ngoại nói chung và vốn FDI nói riêng. Sức ép này không chỉ đến từ kinh tế mà còn đan cài cả yếu tố chính trị, ngoại giao. Dẫu vậy, đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam “xoay trục”, chuyển hướng trong lựa chọn đối tác kinh tế và từ đó định hình cho phát triển kinh tế của mình.
3 vấn đề cần lưu ý về FDI
Như trên vừa nói Việt Nam đang đứng trước những sức ép và buộc phải lựa chọn đối tác, cũng như đối với vấn đề thu hút vốn đầu tư FDI hiện nay. Theo bà Việt Nam nên lựa chọn như thế nào?
Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị vừa qua đã chỉ ra rằng, các chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI có cam kết nhưng trên thực tế vẫn chưa có. Thí dụ như cam kết nội địa hóa cho một số sản phẩm của Việt Nam trong ngành sản xuất ô tô, song trên thực tế vẫn không thực hiện được.
Hay như vấn đề bảo vệ môi trường vẫn có một loạt doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường và vi phạm luật Việt Nam; việc sử dụng lao động giá rẻ là chính, còn đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động không đáng bao nhiêu… Tất cả những vấn đề trên đã nói lên những hạn chế về chính sách thu hút, quản lý FDI ở Việt Nam.
Tôi cho rằng đối với vấn đề thu hút vốn FDI hiện nay ở Việt Nam có 3 vấn đề lớn cần phải đặc biệt lưu ý.
Thứ nhất, thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới cần phải chú ý đến khía cạnh đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước. An ninh - quốc phòng ở đây phải hiểu là cả những địa điểm không thể để cho các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) nắm được, những lĩnh vực phải cảnh giác trong việc lựa chọn NĐTNN, nhất là những NĐTNN có thể gây ra nguy cơ đe dọa an ninh - quốc phòng.
Thứ hai, NĐTNN phải đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và chuyển giao công nghệ, nghĩa là Việt Nam sẽ kén chọn và ưu tiên cho những doanh nghiệp, những nhà đầu tư có chuyển giao công nghệ chứ không chấp nhận những dự án đầu tư với công nghệ thấp có nguy cơ gây ô nhiễm. Việt Nam đã qua thời phải thu hút FDI bằng mọi giá, kể cả cái giá phải trả rất đắt đỏ như tàn phá môi trường làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững hoặc công nghệ thấp, lao động giá rẻ…
Hiện nay, Việt Nam có quyền “kén chọn” nhà đầu tư và nên sử dụng quyền này của mình. Chúng ta chỉ chấp nhận những nhà đầu tư mang được công nghệ tiên tiến và tạo được giá trị gia tăng cao, nhất là khi Việt Nam đang muốn thực hiện CMCN 4.0 và hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa của mình.
Thứ ba, trong thu hút vốn FDI, Việt Nam cần lựa chọn và không chấp nhận những nhà đầu tư khi vào Việt Nam để đầu tư những dự án mang giá trị ảo.
Thí dụ như là trên danh nghĩa là doanh nghiệp nội địa, nhưng thực chất đứng đằng sau là vốn NĐTNN, họ chi phối hoạt động của doanh nghiệp “ma” tại Việt Nam để nhằm tạo vỏ bọc, trốn thuế, hưởng ưu đãi.
Thưa bà, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có là lợi thế cho Việt Nam lựa chọn doanh nghiệp FDI?
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay cũng có yếu tố tích cực đối với Việt Nam, cụ thể đó là dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc có thể chuyển sang Việt Nam trong tương lai gần để tránh bị “vạ lây”.
Nhưng ngay cả khi dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc chuyển dịch sang cũng có hai dòng khác nhau về bản chất. Dòng vốn thứ nhất là đã có ở Việt Nam, họ là các NĐTNN đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… Nay họ chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam để hoạt động kinh doanh tiếp, thí dụ như Samsung.
Dòng vốn thứ hai là trực tiếp từ các nhà đầu tư Trung Quốc, họ cũng chuyển sang Việt Nam để “lánh nạn” và né thuế trong thương chiến, đây là dòng vốn chuyển dịch phải cảnh giác.
Bởi nếu đón nhận dòng đầu tư từ Trung Quốc sang rủi ro sẽ rất lớn không chỉ về ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, chất lượng kém… mà còn có thể khiến Việt Nam trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” của thương chiến Mỹ - Trung, khi bị cho là nơi để Trung Quốc lánh nạn, né thuế quan từ Mỹ.
Bà đánh giá thế nào về những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ trong thời gian qua?
Tôi cho rằng trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những nỗ lực rất lớn để cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đầu tư.
Theo tôi, thời gian tới những chính sách sẽ ngày càng hoàn thiện hơn nữa, tạo điều kiện cho các NĐTNN vào Việt Nam, nhất là khi Luật Đầu tư sẽ được sửa đổi và luật về PPP sẽ được ban hành.
Tôi tin rằng sự bình đẳng, công bằng chính là tính hấp dẫn lâu dài và bền vững của một môi trường đầu tư. Nghĩa là các nhà đầu tư không phân biệt quốc tịch Việt Nam hay nước ngoài, nếu rót vốn vào những lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên, hoặc dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường… cũng sẽ được hưởng ưu đãi như nhau.
Xin cảm ơn bà.
Đây cũng lúc Việt Nam cần phải lựa chọn dòng vốn và những nhà đầu tư tiềm năng, trong đó cần đặc biệt chú ý đến vấn đề trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, và cam kết chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI.