Trao đổi bên lề hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng 2019: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng”, bà Phạm Chi Lan nhìn nhận, năm 2019 với khu vực tư nhân vẫn có những khó khăn.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, tăng trưởng năm 2019 sẽ thấp hơn năm 2018. Vậy nguyên nhân nào khiến cho năm 2019 bị chậm lại, thưa bà?
Theo tôi, các dự báo của năm 2019 tại các nước cũng đều thấp hơn so với 2018, vì có nhiều lo ngại về rủi ro trong kinh tế toàn cầu, ví dụ thương mại toàn cầu đang có sự sụt giảm nhất định do chính sách bảo hộ tăng lên tại các quốc gia, cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế khác nhau mà không chỉ riêng hai nước đó. Ở khu vực châu Âu cũng có sự bất ổn như câu chuyện Brexit sẽ ảnh hưởng không chỉ với nước Anh mà tất cả các nền kinh tế trong liên minh châu Âu.
Còn ở Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội cũng đặt mức chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2019 thấp hơn so với những chỉ tiêu đã đạt được trong năm 2018. Tôi nghĩ rằng, cách đặt vấn đề như vậy là thực tế, vì cơ sở nền tảng năm 2018 đã tăng rất cao thì không thể đòi hỏi năm 2019 phải tăng cao hơn 2018 khi chưa thấy những động lực mới của tăng trưởng được đưa ra. Cho nên, Việt Nam đặt vấn đề tăng trưởng một cách thận trọng theo tôi là hợp lý.
Vậy theo bà, vấn đề quan trọng nhất của năm 2019 và các năm tiếp theo là gì?
Theo tôi phải tạo được những động lực tăng trưởng mới khi nguồn lực cho tăng trưởng cũ đang cạn kiệt dần. Đơn cử, nhìn vào ngành khai khoáng sẽ thấy những năm gần đây đóng góp ngành khai khoáng vào nền kinh tế đã giảm rất nhiều; đóng góp công nghiệp đang tăng lên nhưng tỉ trọng tăng trưởng đó lại phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, trong khi đầu tư trong nước cũng chưa tạo được đà tăng trưởng mạnh cho công nghiệp.
Với nông nghiệp, năm 2018 tăng trưởng tương đối tốt, nhưng phần nào đó cũng phải dựa vào điều kiện tự nhiên như thời tiết, vậy năm 2019 có được thời tiết tốt như vậy nữa không? Hay sự chuyển hóa của nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu để làm tăng giá trị có tiếp tục phát triển trên diện rộng để tạo đà tăng trưởng vững chắc hơn cho nông nghiệp không.
Còn đối với khu vực tư nhân sẽ thế nào, thưa bà?
Năm 2019 với khu vực tư nhân sẽ vẫn có những khó khăn. Năm 2018 trong tăng trưởng chung của đất nước, chúng ta vẫn nhìn thấy số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao lên. Tức là đông đảo doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, thậm chí năm 2018 khoảng cách giữa số doanh nghiệp mới thành lập và giải thể lại cao như vậy. Điều này chứng tỏ, số doanh nghiệp đã hình thành và hoạt động trong một vài năm vẫn không chịu nổi sức ép mà phải rút ra khỏi thị trường. Nếu tình hình này còn tiếp diễn thì chúng ta sẽ lấy đâu ra lực lượng để đóng góp vào tăng trưởng mới cho đất nước. Như bà vừa chia sẻ, kinh tế tư nhân vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho khu vực này, vậy theo bà những chính sách hỗ trợ đó đến thời điểm này như thế nào?
Tôi nhận thấy một điều, giải pháp được chúng ta đưa ra thì nhiều, nhưng khi thực hiện thường rất kém. Phải thẳng thắn rằng, ở Việt Nam những chính sách tốt thường ít, rõ ràng nhất là việc cải thiện môi trường kinh doanh được đề ra từ nhiều năm nay.
Năm 2017 khá tốt nhưng sang năm 2018 dường như có sự chững lại, khi Thủ tướng đưa ra yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, một số bộ ngành đã thực hiện, có những cái làm thật, có những cái làm nhưng không có tác dụng trong thực tế, đơn giản hóa thủ tục theo hình thức “gom” một vài điều kiện cũ thành một điều kiện mới; hoặc bỏ một điều kiện cũ thì lại “đẻ” ra một loạt điều kiện mới còn khó khăn hơn.
Do đó, việc tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho các DNNVV còn phải “chiến đấu” lâu dài, chừng nào chúng ta chưa thu gọn được bộ máy hành chính thì doanh nghiệp tư nhân còn “vất vả”.
Xin cảm ơn bà!