Kinh doanh của các hộ tại Việt Nam: Mới chỉ là “mua thấp bán cao”
Tại chương trình tọa đàm với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân: minh bạch, tối ưu thuế và kiểm soát rủi ro về hoá đơn điện tử”, diễn ra mới đây, các diễn giả đã chia sẻ, trao đổi làm rõ chủ đề thời sự hiện nay như: hỗ trợ pháp lý, thuế, phí, lệ phí, kế toán và các hỗ trợ khác khi cá nhân và hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp; về thanh tra, kiểm tra; về không hình sự các quan hệ kinh tế, dân sự; về tiếp cận đất đai, vốn… theo Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 198/2025/NQ-QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 138/2025/NQ-CP của Chính phủ, về các vấn đề: Rào cản và lợi thế khi cá nhân, hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp; minh bạch, truy xuất nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm, dịch vụ; tối ưu thuế, cách ghi hóa đơn, kiểm soát rủi ro về hoá đơn điện tử.
![]() |
Diễn giả chia sẻ tại chương trình tọa đàm “Phát triển kinh tế tư nhân: minh bạch, tối ưu thuế và kiểm soát rủi ro về hoá đơn điện tử” |
Nhận định về thực trạng các hộ kinh doanh tại Việt Nam, ông Trần Bằng Việt - CEO DongA Solutions - cho biết, hiện mô hình kinh doanh được xác định theo 07 cấp độ (M1-M7). Trong đó, cao nhất là M7 – Bán giải pháp và trải nghiệm: Không còn đơn thuần là bán hàng, mà là đồng hành cùng khách hàng để giải quyết bài toán tổng thể của họ và tạo cho khách hàng trải nghiệm tối đa nên có.
M6 – Bán dịch vụ thay vì sản phẩm hàng hoá đơn thuần: Gia tăng giá trị phi vật lý chuyển giao cho khách hàng thông qua các giá trị cộng thêm như tư vấn trước bán hàng, dịch vụ đi kèm và chăm sóc sau bán hàng.
M5 – Bán trực tiếp (D2C): Chi phí chiết khấu ngày càng cao (do M4) và sự cạnh tranh bất bình đẳng từ các nhãn hàng riêng đã gây sức ép lên các thương hiệu. Các từ khoá O2O, O2O2O và D2C được nói đến ở mọi nơi
M4 – Nâng hiệu quả nhờ có quy mô: Đây là lúc các kênh MT như siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử lên ngôi.
M3 – Mua tận gốc bán tận ngọn: Lúc logistics và chuỗi cung ứng/phân phối bắt đầu được tối ưu, muốn thành công, những người buôn bán buộc phải lăn xả và tham gia sâu hơn, sớm hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm.
M2 – Mua thấp bán cao: Thời điểm thị trường còn nhá nhem thiếu thông tin, người biết "đi buôn" kiếm lời từ bất đối xứng thông tin.
M1 – Có hàng là thắng: Thời hàng hóa khan hiếm, ai có nguồn cung là có khách. Nếu ai đã từng sống qua giai đoạn kinh tế kế hoạch - ngăn sông cấm chợ ắt hẳn sẽ thấm thía cảnh giới này
Theo ông Trần Bằng Việt, đến năm 2025, một tỷ lệ lớn doanh nghiệp Việt vẫn còn kinh doanh ở M1 và M2, với tư duy buôn bán lặt vặt, không có chuẩn mực chất lượng, không rõ nguồn gốc hàng hóa, không có hóa đơn đầu vào, không chịu thuế đầy đủ, thậm chí không coi trọng việc chăm sóc khách hàng.
Thực tế này sẽ có những bất lợi đối với các hộ kinh doanh trong tương lai nếu không nhanh chóng thay đổi tư duy và mô hình kinh doanh.
Nâng chất lượng sản phẩm qua truy xuất nguồn gốc
Để lấy được niềm tin của người tiêu dùng, vấn đề đầu tiên là chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, làm thế nào để người tiêu dùng biết đó là sản phẩm tốt hay xấu, các thành phần của sản phẩm, quá trình sản xuất… Điều này buộc doanh nghiệp phải có thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Người dùng tra cứu thông tin chi tiết một sản phẩm gồm nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển đến tay người tiêu dùng với mục tiêu đảm bảo tính minh bạch, xác thực. |
Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, việc minh bạch, truy xuất nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm, dịch vụ sẽ có lợi cho 3 bên: Doanh nghiệp – người tiêu dùng – nhà nước.
Ông Đỗ Ngọc Anh - Luật sư, Giám đốc Bến Thành Law – cho rằng, việc này nhằm bảo vệ thương hiệu, truyền thông hiệu quả cho sản phẩm. Bên cạnh đó, sẽ hạn chế, ngăn chặn sao chép, hàng nhái, hàng giả. Đặc biệt, làm nổi bật sự khác biệt và tạo lợi thế cạnh tranh.
![]() |
Ông Đỗ Ngọc Anh - Luật sư, Giám đốc Bến Thành Law chia sẻ tại chương trình |
Đối với người tiêu dùng: Khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ có được sự tin cậy về sản phẩm, từ đó lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bền vững đúng với nhu cầu sử dụng. Tiết kiệm thời gian, công sức trong việc dùng sản phẩm chất lượng.
Đối với cơ quan nhà nước: Tiết kiệm chi phí và công sức trong việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Nhanh chóng phát hiện những loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để có những biện pháp khắc phục kịp thời. Nhanh chóng phát hiện những loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để có những biện pháp khắc phục kịp thời.
Từ thực tế này, đã đến lúc các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần chủ động chuyển đổi số để xây dựng một hệ thống minh bạch, hiệu quả hơn trong việc quản lý chuỗi cung ứng và chống hàng giả, qua đó thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Việc chuyển đổi số trong quản lý sản phẩm, nhất là ứng dụng truy xuất nguồn gốc qua mã QR là yêu cầu cấp thiết nhằm minh bạch thông tin và tăng cường giám sát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, mã QR chỉ phát huy giá trị khi được tích hợp vào hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng và sự tham gia nghiêm túc từ phía doanh nghiệp.
Để giải quyết tận gốc tình trạng hàng giả, hàng nhái, cần xem xét xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và cơ chế bắt buộc truy xuất đối với các nhóm sản phẩm có nguy cơ cao, tạo nền tảng vững chắc cho một thị trường minh bạch và an toàn.
Được biết, hiện cả nước có 11 tỉnh, thành phố đã sử dụng giải pháp công nghệ này để kiểm soát nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn.