![]() |
Chọn nghề thời AI: Chọn đúng nghề, học đúng kỹ năng và sẵn sàng thay đổi |
Tại tọa đàm “Lao động trẻ – Khát vọng phát triển thành phố” do Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM tổ chức ngày 21.5, nhiều chuyên gia đã cùng chia sẻ những góc nhìn thực tế về định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI).
Trí tuệ nhân tạo không chỉ là xu thế, mà đã trở thành một phần tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống. Điều này đặt ra không ít thách thức cho người trẻ – lực lượng lao động chủ lực của xã hội – khi phải đối diện với câu hỏi sống còn: Làm gì để không bị AI thay thế?
Theo ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, nỗi lo “mất việc vì AI” là điều mà ông thường xuyên nghe từ các bạn trẻ. Tuy nhiên, ông khẳng định, AI không lấy đi công việc của tất cả mọi người, mà chỉ thay thế những ai không kịp thích nghi, không chịu học hỏi.
“Không học gì đồng nghĩa với tụt hậu. Người giỏi không cần biết tất cả, mà cần biết mình giỏi ở đâu, mạnh điểm gì để tập trung phát triển. Quan trọng nhất là bạn phải học tập một cách tích cực, rèn luyện kỹ năng và tạo ra giá trị thực tế trong công việc”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của công nghệ số. Tại TP.HCM, hơn 95% vị trí việc làm hiện nay đều yêu cầu lao động có trình độ, kỹ năng đã qua đào tạo. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ (chiếm 66%) và công nghiệp – xây dựng (33%). Trong khi đó, lao động phổ thông đang ngày càng yếu thế trước làn sóng chuyển đổi số.
Điểm quan trọng, theo ông Tuấn, là người trẻ cần định hướng đúng ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân và nhu cầu thực tế của thị trường. Việc học không chỉ gói gọn trong môi trường đại học. Với học sinh tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng hay học nghề đều là những lựa chọn có giá trị như nhau, miễn là người học có tinh thần cầu tiến. Với học sinh tốt nghiệp THCS, các hướng đi như học trung cấp, giáo dục thường xuyên hay tiếp tục lên THPT đều có thể mở ra cơ hội nghề nghiệp nếu được định hướng bài bản.
Một trong những yếu tố quan trọng để cạnh tranh nghề nghiệp hiện nay chính là kỹ năng – không chỉ là kỹ năng nghề mà còn là kỹ năng mềm. Bà Vũ Phương Loan, Phó phòng Giáo dục thường xuyên – Nghề nghiệp và Đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) nhận định: “Học đại học không còn là con đường duy nhất. Người lao động trẻ cần chủ động học nghề, nâng cao tay nghề và thường xuyên cập nhật năng lực bản thân để không bị lỗi thời.”
Theo bà, trong thời đại hội nhập, chỉ biết tiếng Anh là chưa đủ. Những ngôn ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Đức... cũng ngày càng trở nên cần thiết trong môi trường làm việc đa quốc gia. Bên cạnh đó, những kỹ năng nền tảng như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, cũng như kỹ năng số và khả năng tiếp cận công nghệ mới sẽ quyết định khả năng hội nhập của người lao động trẻ trong thời đại số.
Ở một góc nhìn khác, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết TP đang có hơn 2,3 triệu lao động trẻ – lực lượng đông đảo và đầy tiềm năng. Thế nhưng, đáng tiếc là nhiều bạn vẫn đang thiếu định hướng rõ ràng, chọn việc làm tạm thời vì “lương nhanh”, dẫn đến tình trạng bỏ dở sự nghiệp giữa chừng hoặc mất cơ hội phát triển dài hạn.
Bà Tới cho rằng, để giữ chân nhân tài và phát triển lực lượng lao động trẻ, thành phố cần tạo ra môi trường làm việc sáng tạo, cải cách giáo dục để gắn liền đào tạo với thực tiễn và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng cường cơ hội thực hành, trải nghiệm thực tế và kết nối chặt chẽ giữa trường học, doanh nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp là những điều kiện cần thiết để người trẻ có thể phát triển bền vững.
Tọa đàm không chỉ là nơi chia sẻ thông tin, mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho người trẻ trong bối cảnh công nghệ phát triển vũ bão. Chọn đúng nghề, học đúng kỹ năng và sẵn sàng thay đổi – đó chính là ba “chìa khóa” để lao động trẻ bước vững vào tương lai, nơi mà AI chỉ là công cụ, còn con người mới là trung tâm của sáng tạo và phát triển.