Đến 2030, thương mại số có thể mang lại 953.000 tỷ đồng cho Việt Nam
TS. Konstantin Matthies, Công ty Alphabeta nhấn mạnh rằng, cơ hội cho Việt Nam với thương mại số là rất lớn. Nếu kỹ thuật số cũng được coi là một lĩnh vực, nó sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ 8 trong nền kinh tế Việt Nam, trị giá tới 97 nghìn tỷ đồng và tăng thêm 570% vào năm 2030.
“Thương mại trên nền tảng số không chỉ là một cách để tăng cường và đa dạng hoá cơ sở xuất khẩu của Việt Nam mà còn là cách để giúp các doanh nghiệp Việt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế tận dụng các công nghệ kỹ thuật số.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gặt hái được những thành công lớn ở thị trường nước ngoài thông qua thương mại số nhờ tận dụng các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới; hợp tác với các nhà phân phối trực tuyến. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã khéo léo tận dụng sức hấp dẫn toàn cầu của thực phẩm Việt Nam để tiếp cận nhiều đối tượng hơn thông qua kênh YouTube – hiện có hơn 450.000 người đăng ký trên toàn cầu với hơn 45% người xem từ Mỹ và nhiều người từ các quốc gia khác như: Úc, Canada, Đức và Singapore. Tương tự với đó là: Zalo, What’s App, WeChat…”, TS Konstantin Matthies nói.
Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, cho đến nay tầm quan trọng của thương mại trên nền tảng số trong việc giúp Việt Nam đạt được tầm nhìn này vẫn còn ít được chú ý. Các số liệu kinh tế truyền thống đã không còn theo kịp tốc độ tăng trưởng chóng mặt của nền kinh tế kỹ thuật số và hiện thiếu đi dữ liệu đủ mạnh để đo lường tầm quan trọng của thương mại trên nền tảng số đổi với xuất khẩu hoặc đối với nền kinh tế quốc nội.
Cần sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp
Kiến nghị chính sách về phát triển thương mại trên nền tảng số cho Việt Nam, ông Konstantin Matthies cho rằng, Chính phủ và các nhà tạo lập chính sách để cân nhắc tầm quan trọng của thương mại trên nền tảng số đối với cả nền kinh tế trong nước lẫn bên ngoài trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế và thương mại.
Đồng thời, ông Konstantin Matthies nhấn mạnh việc tạo sân chơi công bằng, bình đẳng cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Một số mô hình như ở Hàn Quốc, Google đang thúc đẩy đầu tư hệ sinh thái, cụ thể là đầu tư vào các công ty khởi nghiệp start up; chính phủ Ấn Độ cùng với tập đoàn Google hợp tác trong chương trình cung cấp wifi miễn phí tại các ga tàu… có thể sẽ là bài học tốt cho Việt Nam”, ông Konstantin Matthies nói.
Về phần mình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam cần cải thiện lại hệ thống dữ liệu, thống kê. Lý do là dữ liệu thống kê của một số đơn vị còn thiếu tính cập nhật, nhiều sai sót.
Ngoài ra, cần bổ sung về mặt pháp luật; quy định khuyến khích ứng dụng công nghệ trong phát triển doanh nghiệp một cách minh bạch, nhất quán... Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh việc thay đổi tập quán, văn hóa kinh doanh của người Việt còn nhiều hạn chế, thiếu hiểu biết thông tin về sản phẩm, thị trường...