![]() |
Ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch FiinGroup |
Mặc dù SME vẫn đang phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, nhưng thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp trong nhóm này gặp khó trong việc tiếp cận nguồn lực tài chính. Theo ông Thuân, đây là điểm nghẽn tồn tại nhiều năm, bất chấp nỗ lực từ các ngân hàng trong việc triển khai chương trình hỗ trợ riêng cho SME.
Sự chênh lệch rõ rệt nằm ở năng lực quản trị và tài sản bảo đảm. Doanh nghiệp lớn có lợi thế rõ ràng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn tín dụng và tiếp cận các kênh vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), quỹ đầu tư tư nhân hay tổ chức tài chính quốc tế.
Kinh nghiệm quốc tế – đặc biệt từ Trung Quốc – cho thấy, khả năng tiếp cận tín dụng của SME và siêu nhỏ chỉ được cải thiện căn bản khi được kết nối với cơ sở dữ liệu giao dịch thương mại đáng tin cậy, phản ánh năng lực thực tế của doanh nghiệp.
Việt Nam đã xây dựng nhiều quỹ hỗ trợ vốn cho SME, tuy nhiên hiệu quả vẫn còn hạn chế. Theo ông Thuân, nguyên nhân chủ yếu nằm ở mô hình quản lý thiên về Nhà nước, thiếu linh hoạt, ngại rủi ro và bị ràng buộc bởi trách nhiệm giải trình, khiến cho việc giải ngân gặp nhiều vướng mắc.
Ông nhấn mạnh, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ tài chính cho SME – độc lập hoặc phối hợp với tổ chức tín dụng – để tạo ra dòng vốn hiệu quả và thực chất hơn.
Với tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đạt khoảng 136% vào cuối năm 2024 – mức cao so với nhiều nước trong khu vực – Việt Nam đang đối mặt với rủi ro lớn khi tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào tín dụng ngân hàng.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% vào năm 2025 và hai con số trong các năm tiếp theo, ông Thuân cho rằng Việt Nam buộc phải cải cách thị trường vốn, đặc biệt là phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây sẽ là kênh giúp các doanh nghiệp lớn kéo dài kỳ hạn vay, giảm áp lực thanh khoản lên ngân hàng thương mại, đồng thời tạo dư địa cho SME tiếp cận các nguồn vốn khác.
Cùng với đó, cần mở rộng các hình thức tài chính sáng tạo dành cho SME, đi kèm các điều kiện linh hoạt hơn, gắn với hiệu quả kinh doanh thực tế thay vì chỉ dựa trên tài sản đảm bảo.
Dù được kỳ vọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, nhưng thị trường TPDN vẫn còn nhiều rào cản. Trong quý I/2025, hầu như không có doanh nghiệp phi tài chính nào phát hành trái phiếu – một thực tế cho thấy sự e ngại không chỉ từ phía nhà đầu tư mà còn từ chính doanh nghiệp phát hành. Theo ông Thuân, ngoài yếu tố niềm tin, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng về năng lực quản trị, minh bạch thông tin, hoặc chưa đủ hấp dẫn để tạo sức hút trên thị trường trái phiếu.
Trong những năm gần đây, thị trường cổ phiếu thiếu vắng làn sóng niêm yết mới, đặc biệt là từ khu vực doanh nghiệp tư nhân. Sự trầm lắng của thị trường khiến nhiều doanh nghiệp trì hoãn kế hoạch IPO. Tuy nhiên, ông Thuân kỳ vọng, các cải cách thủ tục IPO, cùng với chủ trương nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và nâng hạng thị trường, sẽ mở ra làn sóng IPO mới từ các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn trong năm 2026. Đồng thời, việc đưa các “ông lớn” nhà nước như Mobifone, Agribank lên sàn cũng sẽ góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa và thu hút dòng vốn mới vào thị trường.