Cà phê Việt Nam mở rộng cửa xuất khẩu sang thị trường EU

22:15 20/03/2022

Ngành cà phê trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ Hiệp định thương mại tự do Viêt Nam - EU (EVFTA)

Theo dự báo của Bộ Công Thương, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Trong đó EU là thị trường được dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nơi được xem là "đại bản doanh" của cây cà phê tại Việt Nam, việc xuất khẩu cà phê sang EU có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Cà phê Việt Nam mở rộng cửa xuất khẩu sang thị trường EU
Cà phê Việt Nam mở rộng cửa xuất khẩu sang thị trường EU.

Khi nói các vùng trồng cà phê ở Việt Nam, không thể không kể đến Tây Nguyên, đặc biệt là Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk được coi là "vựa" cà phê Robusta xuất khẩu đứng đầu thế giới.

Những tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy, mặt hàng số 1 là cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất ưu đãi theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu nhập khẩu cà phê khoảng 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê của cả nước đạt gần 400.000 tấn, thu về trên 824 triệu USD, giá trung bình đạt hơn 2.219 USD/tấn; tăng gần 31% về khối lượng, tăng xấp xỉ 66 % về kim ngạch và tăng gần 27% về giá so với cùng kỳ năm 2021.

Đây rõ ràng là các tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu cà phê ngay trong những tháng đầu năm nay. Hiệp định thương mại tự do Viêt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại những tác động tích cực đến việc xuất khẩu của ngành hàng cà phê cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.

Đức là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Việt Nam, chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt hơn 47 ngàn tấn. Tiếp theo là thị trường Bỉ, Italy, chiếm lần lượt gần 10% và 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

PV