Bộ Xây dựng: Dự án chậm - hơn 50% vướng mắc từ xác định giá đất

16:09 04/05/2023

Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, song theo Bộ Xây dựng, thị trường vẫn chưa hết "rã đông".

Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế, Bộ Xây dựng cho biết, trên 50% vướng mắc của các dự án chậm triển khai là do khó khăn trong xác định giá thị trường. Ngoài ra, các dự án cũng gặp vướng liên quan tới quy hoạch, đầu tư, pháp luật về nhà ở, đô thị. Chẳng hạn, việc yêu cầu dự án nhà ở xã hội phải đảm bảo phù hợp 100% quy hoạch dẫn tới nhiều dự án không thể đủ điều kiện được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, song theo Bộ Xây dựng, thị trường này vẫn chưa hết "rã đông". Điều này thể hiện qua dữ liệu sụt giảm nguồn cung, giao dịch trong quý đầu năm nay.

Dự án chậm - hơn 50% vướng mắc từ xác định giá đất
Theo Bộ Xây dựng, nhiều dự án chậm triển khai là do vướng mắc từ xác định giá đất.

Theo đó, nguồn cung về nhà ở thương mại trong ba tháng đầu năm vẫn giảm so với quý IV/2022. Chỉ có 17 dự án được cấp phép mới, ít hơn 5 dự án so với quý cuối 2022 và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án hoàn thành, đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đều thấp hơn cùng kỳ và cuối năm ngoái.

Số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở (hoàn thành hay được cấp mới) chỉ bằng 29-44% cuối năm 2022.

Ba tháng đầu năm, lượng giao dịch bất động sản giảm tới 35% so với cuối 2022, với 106.401 giao dịch và giảm gần 39% cùng kỳ. Phân khúc đất nền ghi nhận lượng giao dịch giảm sâu, chỉ bằng 45% quý IV/2022 và gần 44% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mua bán nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ lại tăng vọt, gần 273% so với cuối năm ngoái.

Tồn kho bất động sản trong quý đầu năm khoảng 18.808 căn, nền. Trong đó, tồn kho chủ yếu rơi vào phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ (9.123 căn) và đất nền các dự án (7.113 nền).

Thị trường chưa thoát khỏi ảm đạm, nhưng Bộ Xây dựng cho hay, nhiều thông tin không chính xác về tài chính tín dụng, trái phiếu hay xử lý vi phạm tại một số doanh nghiệp (VinGroup, Novaland...) đã gây thêm tâm lý hoang mang cho khách hàng, nhà đầu tư và khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này khiến các nhà đầu tư e ngại, tạm ngừng đầu tư vào bất động sản và chuyển sang kênh đầu tư khác. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không bán được hàng, không có dòng tiền và khó khăn về thanh khoản.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, vướng mắc pháp lý là khó khăn lớn nhất, chiếm đến 70% khó khăn của các DN BĐS. Do đó, việc tháo gỡ cơ chế là giải pháp ít tốn tiền ngân sách nhất, nhanh nhất nhưng mang lại hiệu quả lớn nhất và có tính lan tỏa rất lớn. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, các giải pháp đó vẫn chưa đủ mạnh và vẫn còn mất khá nhiều thời gian để thị trường "hấp thu". Do vậy, ông Châu đề xuất, trước mắt Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép DN được chuyển nhượng dự án BĐS theo thỏa thuận theo cơ chế "thí điểm" quy định tại Nghị quyết 42 ngày 21.6.2017 của Quốc hội để tháo gỡ ngay khó khăn về dòng tiền và thanh khoản cho thị trường BĐS, tạo điều kiện cho chính các DN BĐS tự thỏa thuận mua bán, chuyển nhượng dự án để tạo được dòng tiền và thanh khoản. Đây là giải pháp do các DN tự thỏa thuận thực hiện ngoài thị trường vốn (thị trường trái phiếu) và thị trường tín dụng nên không tạo thêm gánh nặng cho các tổ chức tín dụng.

P.V (t/h)