Bất động sản bật tín hiệu phục hồi nhưng vẫn còn thách thức Vốn ngoại tăng vọt, bất động sản Việt Nam hồi sinh mạnh mẽ |
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đối mặt với hàng loạt rào cản pháp lý và những dự án “đắp chiếu” kéo dài, Hà Nội đang cho thấy nỗ lực quyết liệt tháo gỡ vướng mắc để hồi phục nguồn lực phát triển đô thị. Trong quý I/2025, 24 trên 36 dự án chậm triển khai đã được khơi thông, đánh dấu bước khởi đầu tích cực trong việc thực thi các cơ chế đặc thù.
Những đột phá từ thể chế sau Đại hội XIII và Nghị quyết 18-NQ/TW đã tạo nền móng để sửa đổi đồng bộ bốn đạo luật quan trọng: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, sự ra đời của Nghị quyết 170 và 171 của Quốc hội mang tính “giải phóng” mạnh mẽ cho các dự án đang bị “kẹt” thủ tục.
Theo đó, Nghị quyết 171 cho phép các dự án được tiếp tục triển khai mà không phải thực hiện lại quy trình đấu thầu, chỉ cần điều chỉnh giá hoặc quy hoạch. Còn Nghị quyết 170 mở đường cho nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất kể cả khi chưa phải là đất ở – điều từng là rào cản lớn với các dự án nhà ở thương mại.
![]() |
Dự án Công viên hồ điều hòa KĐT Tây Nam Hà Nội vẫn chưa hoàn thành sau nhiều năm triển khai (Ảnh: Phan Chính) |
Các quy định mới này không chỉ giúp tháo gỡ vướng mắc, mà còn tạo hành lang pháp lý ổn định và rõ ràng cho hoạt động đầu tư, góp phần phục hồi thị trường bất động sản đang “đóng băng” suốt thời gian dài.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, TP. Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc biệt với nhiệm vụ rà soát, phân loại và xử lý các dự án chậm triển khai. Tính đến tháng 4/2025, tổ công tác này đã họp 7 phiên, tháo gỡ vướng mắc cho 24/36 dự án.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, các cuộc họp được tổ chức định kỳ, trực tiếp lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp. Những vướng mắc vượt thẩm quyền thành phố sẽ được báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.
Hà Nội cũng đang tích cực xác định lại giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nhất là với các dự án từng bị vướng do thay đổi quy hoạch hoặc giá đất. Đồng thời, thành phố cũng giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để đảm bảo xác định đúng giá trị đất, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Một loạt dự án trọng điểm tại Hà Nội vừa được khơi thông sau thời gian dài “đóng băng”, mở ra hy vọng cho sự phục hồi của thị trường bất động sản Thủ đô. Tiêu biểu trong số này là Công viên Trung Văn tại quận Nam Từ Liêm – dự án có vai trò quan trọng trong việc phát triển không gian xanh và nâng cao chất lượng sống cho khu vực phía Tây thành phố. Bên cạnh đó, các dự án giáo dục như Trường THPT Hướng nghiệp công nghệ thông minh Đặng Xá 2, Trường Tiểu học và THCS Vietschool Đặng Xạ (huyện Gia Lâm) được khởi động lại không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng mà còn góp phần thúc đẩy đô thị hóa khu vực phía Đông.
Ngoài ra, nhiều dự án quy mô lớn mang tính chất thương mại, nhà ở và đô thị cũng đã được gỡ vướng như tòa nhà hỗn hợp tại xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai), khu đô thị mới CEO Mê Linh, khu nhà ở Minh Đức và Minh Giang - Đầm Và, cùng với dự án Sông Hồng City trải rộng tại các phường Phúc Xá (Ba Đình) và Yên Phụ (Tây Hồ). Đáng chú ý, các dự án hướng đến phát triển sinh thái và không gian công cộng như khu vườn sinh thái Cẩm Đình – Hiệp hay khu cây xanh kết hợp thể dục thể thao tại xã Tiên Dương (Đông Anh) cũng được tái khởi động, cho thấy định hướng quy hoạch gắn với chất lượng sống bền vững của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Hiện Hà Nội vẫn còn 112 dự án trong tổng số 712 dự án đang tiếp tục được rà soát, phân loại để trình các cấp có thẩm quyền xử lý. Ngoài ra, 117 dự án chậm tiến độ mới được bổ sung vào danh sách cần giải quyết.
Các quận, huyện cũng đã chủ động đề xuất phương án xử lý từng dự án cụ thể, đồng thời phối hợp với tổ công tác và các sở ngành để rà soát toàn diện cả về quy hoạch, giá đất, pháp lý sở hữu và thời hạn sử dụng đất.
Việc Hà Nội tích cực tháo gỡ các điểm nghẽn lớn, đi kèm với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương về thể chế, đang tạo niềm tin mới cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” của chính quyền thành phố – linh hoạt, quyết liệt nhưng vẫn đảm bảo đúng quy trình.
Các chuyên gia kỳ vọng nếu duy trì tốc độ xử lý như hiện tại, thị trường bất động sản Hà Nội có thể khởi sắc ngay từ cuối năm 2025, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết hàng loạt vấn đề xã hội như nhà ở, sử dụng hiệu quả đất đai và việc làm.
Với sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương, cùng cơ chế mới đầy đột phá, Hà Nội đang đặt những viên gạch đầu tiên để “xây lại” thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, bền vững và hiệu quả hơn.