![]() |
Bộ Nội vụ đề xuất không giảm biên chế công chức xã trong giai đoạn chuyển tiếp. |
Theo thống kê của Bộ, tính đến ngày 31/12/2024, cả nước có hơn 212.600 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó khoảng 92,4% đã tốt nghiệp đại học trở lên và 7,6% còn lại có trình độ từ cao đẳng trở xuống. Những cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn chiếm tỷ lệ nhỏ và sẽ được xử lý theo chính sách bảo đảm quyền lợi hợp pháp, theo quy định của Chính phủ.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, Công chức. Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo này là điều chỉnh quy định liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức trong bối cảnh tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã).
Dự thảo Luật sửa đổi khái niệm cán bộ, công chức, theo đó chỉ còn bao gồm cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã, loại bỏ cấp huyện. Đồng thời, một chương quy định riêng về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật hiện hành cũng được đề xuất bãi bỏ.
Dự thảo cũng thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã mà không phân biệt giữa công chức cấp xã và cấp tỉnh. Việc này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về sự liên thông trong công tác cán bộ.
Ngoài ra, các quy định về thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức cũng được rà soát lại để phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, thẩm quyền của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ không còn được quy định.
Đáng chú ý, dự thảo Luật còn bổ sung điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay. Cụ thể, số lượng biên chế hiện tại sẽ được giữ nguyên cho đến khi hoàn tất việc rà soát, sắp xếp lại theo vị trí việc làm; đồng thời, mức lương hiện hưởng sẽ được bảo lưu cho đến khi có sự bố trí công việc mới theo quy định của Chính phủ. Điều này nhằm bảo đảm hoạt động của chính quyền không bị gián đoạn, đồng thời duy trì ổn định trong quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức.
Tại Điều 53 của dự thảo Luật quy định rõ: Kể từ ngày Luật có hiệu lực, cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) sẽ được giữ nguyên biên chế và bảo lưu tiền lương đến khi hoàn thành sắp xếp theo vị trí việc làm.
Chính phủ sẽ xây dựng lộ trình cụ thể và ban hành các quy định cần thiết để chuyển dần sang cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực. Trong thời gian này, các địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ công chức theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Đồng thời, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức vẫn tiếp tục được thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ.