Bộ Công thương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

23:55 02/09/2021

Tại Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021, Bộ Công thương đã đặt ra nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh trong những tháng còn lại của năm 2021.

Trong những nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Công thương đưa ra tại Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 có việc đảm bảo an ninh năng lượng và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh trong những tháng còn lại của năm 2021.

Cụ thể, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh cung ứng điện; vận hành hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các khu công nghiệp nhằm duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất được Bộ Công thương quán triệt đến tất cả các Sở Công thương và các Trưởng ngành thuộc Bộ này quản lý.

Đảm bảo sản xuất điện phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp
Đảm bảo sản xuất điện phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.

Với ngành điện: Tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành các dự án trọng điểm, dự án điện có vai trò quan trọng trong đảm bảo nguồn điện như: nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nghi sơn 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1... góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án lưới điện trọng điểm để giải tỏa công suất của các dự án nguồn điện lớn và các công trình phục vụ giải tỏa công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời; Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà áp dụng giai đoạn sau 2020…

Với ngành Than: Rà soát, đề xuất các giải pháp huy động hợp lý các nguồn điện, đảm bảo lượng điện phát ra của các nhà máy nhiệt điện than theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021 đã phê duyệt, góp phần giảm lượng than tồn kho và thực hiện được Biểu đồ cấp than cho các nhà máy nhiệt điện năm 2021. Song song với đó các nhà máy nhiệt điện than rà soát tiết giảm chi phí, hạ giá thành, có giá chào cạnh tranh để được huy động phát điện.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện sản xuất, kinh doanh than và công tác bảo đảm an toàn lao động trong hoạt động sản xuất than; kiểm tra các điểm khai thác, vận chuyển, chế biến, các bãi tập kết, mua bán than nhằm phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng sản xuất, kinh doanh than trái phép và vi phạm về kỹ thuật an toàn trong sản xuất than. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng than (trong đó có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu than).

Với ngành Dầu khí: Phối hợp với các địa phương để chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ chủ đầu tư các dự án trọng điểm dầu khí trong việc triển khai các hoạt động thi công ngoài hiện trường đáp ứng tiến độ đề ra, trên nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch Covid-19 đặc biệt là các Dự án Kho cảng LNG Thị Vải, Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam. Đôn đốc tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về dầu khí.

Không để đứt gãy sản xuất ngành Dầu khí
Không để đứt gãy sản xuất ngành Dầu khí.

Tăng cường công tác sản xuất, điều tiết việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp tình hình không để gián đoạn, đứt gãy nguồn cung các sản phẩm thiết yếu (dầu thô, khí tự nhiên, xăng dầu, phân bón...); Hiệp hội Xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu, các Tập đoàn, Tổng công ty các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu chia sẻ hoạt động với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, ưu tiên sử dụng nguồn từ các nhà máy lọc dầu trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.

Với nhóm ngành ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thủy sản, điện tử...: Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân hàng, chuỗi cung ứng, trước mắt là để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu âu, Mỹ để gia tăng sản lượng.

Phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, nhằm hình thành mạng lưới kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến ngành công nghiệp, hình thành chuỗi cung ứng trong nước.

Với nhóm ngành sản xuất thép, phân bón, khai thác quặng: Chỉ đạo và phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước và những Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất lớn trong các ngành rà soát, xem xét liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, có biện pháp để tăng năng suất, ưu tiên đáp ứng nhu cầu tối đa nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao. Rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất nhập khẩu mặt hàng sắt thép, phân bón, quặng sắt.

PV