Bài liên quan |
Cơ hội để doanh nghiệp ngành điện tử và thiết bị thông minh tham gia chuỗi cung ứng |
Doanh nghiệp ngành điện “bội thu” trong quý III năm 2024 |
Theo báo cáo của VNDirect, đã có gần 1.000 doanh nghiệp niêm yết, chiếm 95,6% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh quý I/2025. Tổng lợi nhuận ròng của nhóm này tăng mạnh, chủ yếu nhờ nền so sánh thấp trong quý I/2024 và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thuận lợi.
![]() |
Quý I/2025: Doanh nghiệp ngành điện dẫn đầu, dầu khí trượt dốc |
Ngành điện trở thành điểm sáng nổi bật trong quý I/2025 khi lợi nhuận ròng tăng đến 224% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng đến từ việc các nhà máy điện khí gia tăng sản lượng sau thời gian huy động thấp, cùng với thủy điện phục hồi nhờ thoát khỏi ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài từ năm trước.
Ngành bất động sản cũng ghi nhận quý thứ ba tăng trưởng liên tiếp, với mức tăng lợi nhuận ròng đạt 134%. Đà phục hồi này được hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, các gói hỗ trợ tín dụng cùng chiến lược bán hàng linh hoạt từ các chủ đầu tư.
Trong khối ngành tiêu dùng và công nghiệp, nhiều nhóm ngành tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Ngành hàng cá nhân và gia dụng tăng 62% lợi nhuận ròng nhờ nhu cầu xuất khẩu cải thiện trong bối cảnh các doanh nghiệp chủ động ứng phó với nguy cơ gia tăng rào cản thương mại từ Mỹ.
Ngành hóa chất hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào giảm, ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 45%. Ngành bán lẻ tăng 44% nhờ sự dẫn dắt của Thế Giới Di Động – “đầu tàu” với lợi nhuận tăng mạnh 71% nhờ tái cấu trúc hiệu quả, cắt giảm khấu hao và loại bỏ được các chi phí bất thường.
Trái ngược với xu hướng phục hồi chung, ngành dầu khí tiếp tục chìm trong khó khăn với mức giảm lợi nhuận lên tới 64% so với cùng kỳ. Giá dầu Brent trung bình trong quý giảm gần 9% đã kéo theo doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong ngành đi xuống. Các tên tuổi lớn như Lọc hóa dầu Bình Sơn, Petrolimex và PVOIL đều ghi nhận lợi nhuận lao dốc, trong đó Petrolimex giảm tới 88%.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 phản chiếu bức tranh tích cực cho phần lớn doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt ở các nhóm ngành được hưởng lợi từ chu kỳ lãi suất thấp như bất động sản, điện, bán lẻ và tiêu dùng.
Tuy vậy, các rủi ro vẫn hiện hữu đối với những ngành phụ thuộc nhiều vào giá hàng hóa quốc tế như dầu khí, thép, hoặc các doanh nghiệp có biên lợi nhuận thấp và chịu áp lực chi phí đầu vào lớn. Sự phân hóa sâu sắc giữa các nhóm ngành, cũng như giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành, được dự báo sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong các quý tới.