Phát biểu tại Raleigh, Bắc Carolina, bà Harris cam kết sẽ tạo ra một "nền kinh tế cơ hội" thông qua một loạt các biện pháp kinh tế táo bạo, bao gồm lệnh cấm đầu tiên của liên bang đối với việc tăng giá thực phẩm, mở rộng hỗ trợ thanh toán trước cho người mua nhà lần đầu và cung cấp 6.000 đô la cho mỗi trẻ em cho các gia đình trong năm đầu đời của trẻ.
Phó Tổng thống Harris cho biết, các đề xuất của bà được thiết kế để giải quyết trực tiếp tình trạng căng thẳng tài chính mà các gia đình Mỹ đang phải đối mặt. Điều này nhằm mục đích kiềm chế áp lực lạm phát quyết liệt hơn, và cung cấp cứu trợ ngay lập tức trong các lĩnh vực như thực phẩm, nhà ở và chăm sóc trẻ em. Bà Harris cho biết: "Với tư cách Tổng thống, tôi sẽ tập trung cao độ vào việc tạo ra các cơ hội cho tầng lớp trung lưu, thúc đẩy an ninh kinh tế, sự ổn định và phẩm giá của họ".
Các đề xuất kinh tế được đưa ra khi lạm phát đã giảm trong những tháng gần đây từ mức đỉnh điểm là 9,1% vào tháng 6 năm 2022, nhưng hiện vẫn là mối quan tâm cấp bách đối với nhiều cử tri. Cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm cách gắn bà Harris với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất mà người Mỹ từng trải qua kể từ khi Chính quyền của ông Biden lên nắm quyền. "Bà Harris vừa tuyên bố rằng giải quyết vấn đề lạm phát sẽ là ưu tiên hàng đầu", ông Trump nói trong một cuộc họp báo dài 80 phút vào thứ năm. "Nhưng ngày đầu tiên của bà ta đã là 3 năm rưỡi trước. Vậy thì bà ấy đã ở đâu?".
Bà Harris đã tạo ra sự tương phản rõ rệt với ông Trump trong bài phát biểu của mình khi chỉ trích các chính sách kinh tế của chính quyền ông này là ưu ái các tập đoàn giàu có và các tỷ phú, trong khi định hướng chương trình nghị sự của mình là chống lại những kẻ đầu cơ giá cả của các công ty và hỗ trợ các gia đình lao động. Chiến lược của bà phản ánh sự thay đổi toàn diện hơn trong Đảng Dân chủ, hướng tới các biện pháp can thiệp kinh tế tiến bộ hơn. Đồng thời, phản ánh một số chính sách do ông Biden ủng hộ, trong khi đưa ra các yếu tố mới nhằm giải quyết các mối quan tâm trước mắt của người tiêu dùng.
Dưới đây là một số đề xuất đáng chú ý nhất trong kế hoạch kinh tế của bà Harris:
Hàng tạp hóa và thực phẩm
Mặc dù không nêu chi tiết về cách thức hoạt động, đề xuất của bà Harris về việc áp dụng lệnh cấm liên bang đầu tiên đối với hành vi tăng giá đột biến tại các cửa hàng tạp hóa được thiết kế để thu hút sự chú ý của cử tri. Phó Tổng thống đương nhiệm cho biết, bà sẽ cho phép Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) áp dụng các khoản tiền phạt mạnh tay đối với các chuỗi cửa hàng tạp hóa thực hiện tăng giá "quá mức". Tuy nhiên, chiến dịch từ chối chia sẻ thêm thông tin, chẳng hạn như bà Harris sẽ định nghĩa hành vi tăng giá đột biến và lợi nhuận quá mức như thế nào, và liệu đề xuất này có yêu cầu phải làm việc với Quốc hội để thông qua luật hay không.
Bà Harris cho biết: "Kế hoạch của tôi sẽ bao gồm các hình phạt mới đối với các công ty cơ hội, lợi dụng khủng hoảng và phá vỡ các quy tắc... Chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm nhỏ hơn đang cố gắng tuân thủ các quy định và tiến lên phía trước. Chúng tôi sẽ giúp ngành thực phẩm trở nên cạnh tranh hơn, vì tôi tin rằng cạnh tranh là mạch máu của nền kinh tế của chúng ta. Cạnh tranh nhiều hơn có nghĩa là giá cả sẽ thấp hơn cho bạn và gia đình bạn".
Bà Harris đã đưa ra biện pháp này như một phản ứng trước tình trạng giá hàng tạp hóa đã tăng gần 26% kể từ năm 2019, khiến nhiều gia đình Mỹ phải vật lộn để quản lý ngân sách chi tiêu thiết yếu của mình. Nhưng ý tưởng can thiệp của chính phủ vào giá hàng hóa đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Trong khi một số nhà lập pháp tiến bộ ca ngợi đề xuất này, những người chỉ trích cho rằng, việc kiểm soát giá có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt và nguồn cung giảm, vì các công ty có thể ít có động lực hơn để dự trữ và bán hàng nếu lợi nhuận của họ bị giới hạn.
Nhà ở giá rẻ và quyền sở hữu nhà
Về nhà ở giá rẻ, bà Harris đề xuất khoản trợ cấp 25.000 đô la cho những người mua nhà lần đầu và dành hàng chục tỷ đô la để tạo điều kiện xây dựng ba triệu đơn vị nhà ở mới trong bốn năm tới.
Kế hoạch bao gồm việc mở rộng tín dụng thuế cho xây dựng nhà ở và một quỹ 40 tỷ đô la cho các giải pháp nhà ở địa phương, tăng gấp đôi khoản đầu tư được đề xuất trong ngân sách gần đây của ông Biden. Trong khi chiến dịch của bà Harris ca ngợi những nỗ lực này là rất quan trọng để chống lại tình trạng thiếu hụt nhà ở trên toàn quốc, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid, những người chỉ trích cảnh báo rằng những biện pháp này có thể vô tình đẩy giá nhà lên cao bằng cách tăng nhu cầu mà không tạo ra sự gia tăng tương ứng về nguồn cung.
Trong bài phát biểu của mình, bà Harris đã ca ngợi thành tựu của mình với tư cách là Tổng chưởng lý của California trong cuộc khủng hoảng nhà ở, khi bà thu hút sự chú ý của toàn quốc với tư cách là đối thủ không khoan nhượng của các ngân hàng lớn và các công ty cho vay thế chấp. “Tôi không phải là người mới trong vấn đề này. Với tư cách là Tổng chưởng lý tiểu bang, tôi đã soạn thảo và giúp thông qua dự luật về quyền của chủ nhà, một trong những dự luật đầu tiên tại Hoa Kỳ”, bà Harris cho biết. “Tôi biết cách đấu tranh cho những người đang bị bóc lột trên thị trường nhà ở và tôi biết quyền sở hữu nhà có ý nghĩa như thế nào. Nó không đơn thuần chỉ là một giao dịch tài chính”.
Giảm nợ y tế và chăm sóc sức khỏe
Phó Tổng thống Harris đã nhắc lại cam kết của mình đối với các điều khoản của Đạo luật Giảm lạm phát của ông Biden, bao gồm việc giới hạn giá insulin ở mức 35 đô la một tháng và hạn chế chi phí đơn thuốc tự trả hàng năm ở mức 2.000 đô la. Các biện pháp này, hiện đang có hiệu lực đối với những người được hưởng Medicare, sẽ được mở rộng cho tất cả người Mỹ theo kế hoạch của bà.
Bà cũng tuyên bố sẽ tiếp nối những nỗ lực của Chính quyền Biden nhằm giải quyết nợ y tế, ủng hộ việc xóa bỏ nhiều khoản nợ y tế hơn thông qua các sáng kiến của liên bang và quan hệ đối tác với các tiểu bang. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng mặc dù việc xóa bỏ nợ y tế có thể làm giảm bớt áp lực tài chính ngay lập tức, nhưng nó không giải quyết được các vấn đề cơ bản về chi phí chăm sóc sức khỏe cao và phạm vi bảo hiểm không đầy đủ.
Tín dụng thuế và hỗ trợ chăm sóc trẻ em
Bà Harris muốn sử dụng tín dụng thuế trẻ em để cung cấp cho các gia đình 6.000 đô la trong năm đầu đời của trẻ. Khoản tín dụng mới sẽ dựa trên việc Chính quyền Biden tạm thời nới rộng tín dụng thuế trẻ em trong thời kỳ đại dịch, với các nghiên cứu cho thấy điều này đã làm giảm đáng kể tình trạng nghèo đói ở trẻ em.
Đề xuất của bà Harris là sự tiếp nối một đề xuất hồi đầu tháng này từ Thượng nghị sĩ Ohio J.D. Vance, người đồng hành tranh cử cùng ông Trump, nhằm tăng tín dụng từ 2.000 đô la cho mỗi trẻ em lên 5.000 đô la. Chiến dịch của bà Harris nhấn mạnh rằng, đề xuất của bà khác ở chỗ nó nhằm mục đích cung cấp cứu trợ tài chính ngay lập tức cho các bậc cha mẹ mới, vào thời điểm chi phí gia đình cao nhất và nhiều bậc cha mẹ buộc phải nghỉ việc.
Bà cũng kêu gọi khôi phục khoản tín dụng thuế trẻ em của Chính quyền Biden, vốn đã được đặt ở mức 3.000 đô la cho mỗi trẻ em trước khi hết hạn vào cuối năm 2021. Hiện vẫn chưa rõ chi phí khôi phục sẽ là bao nhiêu.
Sự tương phản với kế hoạch kinh tế của ông Trump
Trong bài phát biểu của mình, bà Harris đã tìm cách tạo ra sự tương phản rõ rệt giữa các chính sách kinh tế của mình và các chính sách do ông Trump vạch ra, người đã chỉ trích các đề xuất của bà là "tự do một cách nguy hiểm". Cựu Tổng thống Trump đã ủng hộ việc tăng thuế quan đối với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, mở rộng loạt cắt giảm thuế toàn diện mà ông đã ký vào năm 2017 và giảm thuế suất đối với doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15%. Ông cũng cho biết, có thể giảm lạm phát nói chung bằng cách thúc đẩy sản xuất dầu khí, vốn đã đạt mức kỷ lục dưới thời Chính quyền Biden, và bằng cách loại bỏ các quy định khiến thu hẹp thị trường việc làm, mặc dù ông không nêu rõ đó là những quy định nào.
Phó Tổng thống Harris cho biết, cách tiếp cận của ông Trump, bao gồm cả đề xuất áp dụng mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, sẽ làm gia tăng lạm phát và tương đương với việc tăng thuế đối với các gia đình lao động. "Tôi nghĩ rằng nếu bạn muốn biết người nào đó quan tâm đến ai, hãy xem họ đấu tranh vì ai", bà Harris nói. "Donald Trump đấu tranh cho các tỷ phú và các tập đoàn lớn. Còn tôi sẽ đấu tranh để trả lại tiền cho người Mỹ thuộc tầng lớp lao động và trung lưu".
Lân Nguyễn (theo Time)