![]() |
Mỹ đe dọa trừng phạt ngành dầu khí của Nga bằng “thuế quan thứ cấp”. |
Trong động thái mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đang xem xét áp dụng "thuế quan thứ cấp" đối với ngành dầu khí của Nga, nếu Tổng thống Vladimir Putin từ chối thực hiện lệnh ngừng bắn với Ukraine, đồng thời cho biết ông không nghĩ nhà lãnh đạo Nga sẽ "thất hứa".
Phát biểu này của Tổng thống Donald Trump phần nào làm giảm bớt những chỉ trích gay gắt mà ông đã đưa ra trước đó vào Chủ nhật (30/3), khi ông này bày tỏ sự "tức giận" và "vô cùng phẫn nộ" trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin nghi ngờ tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với tư cách là đối tác đàm phán hòa bình.
Trên chuyên cơ Air Force One, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên: "Tôi đã thất vọng ở một khía cạnh nào đó về những phát ngôn trong một hoặc hai ngày qua, liên quan đến ông Zelensky, bởi ông Putin coi ông Zelensky là không đáng tin cậy. Dù anh có thích hay không thích ông ấy thì họ vẫn phải đạt được thỏa thuận. Vì vậy tôi không hài lòng với điều đó. Nhưng tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi".
Sau khi tuyên bố với đài NBC rằng ông sẽ áp đặt "trừng phạt thứ cấp" đối với ngành dầu mỏ của Nga nếu cho rằng người đồng cấp Putin đang cản trở thỏa thuận Ukraine, ông Trump nói với các phóng viên: "Tôi chắc chắn không muốn áp thuế thứ cấp đối với Nga".
Theo đó, Nga là một trong ba nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đồng nghĩa với việc bất kỳ nỗ lực nào nhằm trừng phạt các giao dịch mua dầu của Nga đều có thể tác động sâu rộng đến thị trường dầu mỏ, và mọi gián đoạn đều có thể làm gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu.
Ngoài ra, Ấn Độ và Trung Quốc - những nước trở thành khách hàng mua dầu chủ chốt của Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự toàn diện ở Ukraine - sẽ phải đối mặt với áp lực đặc biệt.
Ông Donald Trump nói với NBC: "Nếu tôi không thể đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt đổ máu ở Ukraine, và nếu tôi cho rằng đó là lỗi của Nga, dù có thể không phải, nhưng nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga, tôi sẽ áp thuế thứ cấp đối với dầu mỏ”.
Tổng thống Mỹ giải thích thêm: “Điều đó có nghĩa là nếu bạn mua dầu từ Nga, bạn sẽ không thể kinh doanh tại Mỹ. Sẽ có mức thuế 25% đối với tất cả dầu mỏ, thậm chí từ 25 đến 50 điểm phần trăm đối với mọi loại dầu".
Đồng thời, Tổng thống Donald Trump cũng tiếp tục gây sức ép với ông Zelensky để Ukraine đồng ý thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận các nguồn tài nguyên của nước này.
Tuần trước, Mỹ thông báo Ukraine và Nga đã đồng ý ngừng bắn ở Biển Đen như bước tiếp theo trong nỗ lực của ông Trump nhằm chấm dứt chiến tranh, sau khi hai bên chấp nhận ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau trong 30 ngày.
Trong khi Ukraine tuyên bố sẽ ngay lập tức tuân thủ lệnh ngừng bắn, Điện Kremlin yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Nông nghiệp Nga (RSHB) và các tổ chức tài chính khác tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế về lương thực và phân bón.
Đáng chú ý, xuất khẩu dầu thô của Nga trong tháng 3 đã đạt mức cao nhất trong 5 tháng, trong khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với đội tàu chở dầu của Nga đang có dấu hiệu thu hẹp.
Chuyên gia phân tích hàng hóa của UBS Group Giovanni Staunovo nhận định: "Mối đe dọa này đáng lẽ phải khiến giá dầu phản ứng mạnh hơn nếu xét đến khối lượng giao dịch có rủi ro. Nhưng cho đến nay, mới chỉ là lời đe dọa chứ chưa có gián đoạn nguồn cung thực tế, và trong quá khứ, giá dầu chỉ tăng bền vững khi thực sự xảy ra gián đoạn".
Tuần trước, ông Donald Trump dường như đã sáng tạo ra một chiến thuật ngoại giao kinh tế mới, khi đe dọa áp thuế thứ cấp đối với các quốc gia mua dầu từ Venezuela, nhằm siết chặt hoạt động giao thương dầu mỏ của nước này với các nước khác.
Mối đe dọa này, được xác nhận trong một sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ, tuyên bố các quốc gia có thể phải đối mặt với mức thuế 25% trong giao dịch với Mỹ nếu mua dầu khí từ Venezuela - quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của Hoa Kỳ. Động thái này nhằm gây sức ép buộc Venezuela ngăn chặn "hàng chục nghìn tội phạm cấp cao và các loại tội phạm khác" mà ông Trump cho rằng nước này đã đưa đến Mỹ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết đang xem xét trừng phạt Iran bằng các biện pháp "thuế quan thứ cấp" không xác định, và đưa ra lời đe dọa sẽ ném bom Iran cho đến khi nước này ký kết thỏa thuận từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Theo một nguồn tin am hiểu vấn đề, ông Donald Trump đã gửi thư cho Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei, trong đó đặt thời hạn 2 tháng để đạt được thỏa thuận hạt nhân mới. Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng từng gợi ý có thể "can thiệp quân sự" nếu cần thiết để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết hôm Chủ nhật (30/3) rằng nước này đã bác bỏ đề nghị của ông Trump và sẽ không tiến hành đàm phán với chính quyền của ông, dù vẫn có khả năng duy trì các kênh liên lạc gián tiếp với Mỹ.