![]() |
Moody's cảnh báo triển vọng tài khóa Mỹ suy giảm. |
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã đưa ra cảnh báo về triển vọng ngân sách của Mỹ, cho rằng các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể làm suy yếu khả năng ứng phó với gánh nặng nợ công ngày càng lớn và lãi suất vay chồng chất của Washington.
Trong báo cáo công bố hôm thứ Ba (25/3), cơ quan này nhận định sức khỏe tài khóa của Mỹ "đang trên đà suy giảm kéo dài nhiều năm", và đã "xấu đi thêm" kể từ khi Moody's đánh giá triển vọng tiêu cực lên xếp hạng tín nhiệm của chính phủ Mỹ vào tháng 11/2023. Hiện tại, quốc gia này vẫn đang được xếp hạng tín nhiệm cao nhất Aaa, tuy nhiên kèm với triển vọng tiêu cực từ Moody’s.
Dù ghi nhận khả năng phục hồi kinh tế "phi thường" của Mỹ, cùng vị thế đồng USD và thị trường trái phiếu chính phủ như trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu, các nhà phân tích của Moody's cảnh báo chính sách dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump - bao gồm thuế quan toàn diện và kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập - có thể gây ra những tổn hại nhiều hơn là lợi ích cho ngân sách quốc gia Hoa Kỳ.
"Tác động tín nhiệm tiêu cực tiềm ẩn từ thuế quan cao kéo dài, cắt giảm thuế không có nguồn bù đắp, cùng rủi ro lớn với nền kinh tế đã làm giảm triển vọng rằng những thế mạnh vượt trội này có thể tiếp tục bù đắp cho thâm hụt ngân sách mở rộng, và khả năng chi trả nợ suy giảm", Moody's nhấn mạnh.
"Trên thực tế, suy yếu tài khóa sẽ tiếp diễn ngay cả trong các kịch bản kinh tế - tài chính thuận lợi nhất", báo cáo này bổ sung.
Theo đó, cảnh báo từ Moody's được đưa ra trong bối cảnh tranh luận gay gắt tại Quốc hội Mỹ và nội bộ chính quyền của ông Trump về giải pháp đưa nền tài khóa Mỹ vào quỹ đạo bền vững hơn. Giới phân tích và nhà đầu tư cảnh báo nợ công và thâm hụt tăng nhanh cuối cùng có thể làm giảm nhu cầu với trái phiếu chính phủ - nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu.
Pimco, một trong những nhà quản lý trái phiếu lớn nhất thế giới, hồi cuối năm ngoái đã cho biết những "câu hỏi về tính bền vững" đã khiến họ dè dặt với trái phiếu dài hạn của Mỹ. Cụ thể, thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ niên khóa kết thúc vào ngày 30/9/2024 đã đạt 1.800 tỷ USD, tăng 8% so với năm trước đó.
Khi Moody's hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Mỹ xuống mức tiêu cực hơn hai năm trước, công ty này đã chỉ ra chi phí trả nợ tăng mạnh, và "sự phân cực chính trị sâu sắc" tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Xếp hạng tín nhiệm Mỹ được theo dõi sát sao do ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vay nợ - với xếp hạng cao và triển vọng tích cực thường giúp giảm chi phí vay mượn.
Đáng chú ý, Moody's nhấn mạnh "khả năng chi trả nợ của Mỹ vẫn yếu hơn đáng kể so với các quốc gia xếp hạng Aaa và tín nhiệm cao khác", đồng thời cảnh báo ngay cả kịch bản kinh tế - tài chính lạc quan nhất cũng cho thấy "rủi ro ngày càng tăng rằng sự suy yếu tài khóa của Mỹ có thể không còn được bù đắp hoàn toàn bởi sức mạnh kinh tế phi thường".
Dù thừa nhận kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ "duy trì sức mạnh và khả năng phục hồi", các nhà phân tích nêu rõ "chương trình nghị sự đang diễn ra của chính phủ Mỹ về thương mại, nhập cư, thuế, chi tiêu liên bang và quy định có thể định hình lại một phần nền kinh tế Mỹ và toàn cầu, với những hệ lụy dài hạn đáng kể".
Trong khi Tổng thống Donald Trump liên tục phát đi tín hiệu ưu tiên giảm chi phí vay nợ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần trước vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,5% - với dự báo cắt giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2025. Moody's kỳ vọng lãi suất quỹ liên bang sẽ về mức 3,75-4% vào cuối năm nay.