![]() |
Hoạt động sản xuất mở rộng tại Trung Quốc trước hạn thuế quan của Mỹ. |
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh nhất trong vòng một năm vào tháng 3/2025, theo một khảo sát công bố hôm thứ Hai (31/3). Sự gia tăng của đơn đặt hàng mới đã thúc đẩy sản xuất, mang lại chút hy vọng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Hai (31/3), chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất chính thức đạt 50,5, tăng so với mức 50,2 của tháng 2. Ngoài ra, con số này cũng vượt dự báo trung bình của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát là 50,4. Theo đó, bất kỳ con số nào trên mức 50 đều cho thấy sự mở rộng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đón, chỉ số hoạt động phi sản xuất, bao gồm lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, đã tăng lên 50,8 từ 50,4 của tháng trước. Con số này cũng cao hơn mức dự báo 50,6 của giới quan sát.
Các số liệu PMI này phản ánh tình trạng kinh tế của Trung Quốc ngay trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến tiến hành áp thuế đáp trả. Theo đó, Bắc Kinh đã cảnh báo Washington rằng họ sẽ có biện pháp trả đũa nếu Mỹ tiến hành áp thuế. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã áp đặt thuế suất 20% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ hai vào tháng 1/2025.
Vào cuối tuần này, Mỹ cũng dự kiến hoàn tất việc xem xét mức độ tuân thủ của Trung Quốc đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn một, được ký trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donad Trump. Hồi tuần trước, Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút vào đầu năm, làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế của quốc gia này.
Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cao cấp về Trung Quốc tại Ngân hàng ANZ, nhận định dữ liệu PMI tháng 3 là "một bức tranh hỗn hợp". Ông cho biết: "Các nhà máy đang giảm hàng tồn kho với giá rẻ hơn trong khi cắt giảm lượng nhập khẩu và nguyên liệu thô tồn kho. Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ chậm lại trong quý II và cần có các biện pháp hỗ trợ chính sách".
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ "không do dự" trong việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng nếu có bất kỳ cú sốc thuế quan lớn nào, ông Xing Zhaopeng bổ sung.
Tại thị trường trong nước, đồng nhân dân tệ đã tăng khoảng 0,1%, giao dịch ở mức 7,2573 đổi 1 USD vào lúc 9h58 sáng tại Thượng Hải (8h58 sáng 31/3 giờ Hà Nội). Chỉ số CSI 300 cũng tăng 0,1%, đảo chiều so với mức giảm trước đó.
Hôm thứ Sáu (28/3), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp với hàng chục giám đốc điều hành của các tập đoàn hàng đầu thế giới, bao gồm ông Stephen A. Schwarzman của Blackstone và Jay Y. Lee của Samsung Electronics, nhằm đảo ngược xu hướng sụt giảm đầu tư nước ngoài đang cản trở đà phục hồi kinh tế.
Ông kêu gọi các giám đốc điều hành phản đối chủ nghĩa bảo hộ, tận dụng sự phản đối ngày càng tăng đối với chính sách thuế quan của Mỹ, và khẳng định Trung Quốc là một đối tác đáng tin cậy.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng tuyên bố trong tháng này rằng nước này đã chuẩn bị cho "những cú sốc vượt quá dự đoán", thể hiện sự tự tin rằng chính phủ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh có thể cần tung ra hàng nghìn tỷ nhân dân tệ kích thích kinh tế để đạt được mục tiêu này nếu thuế quan của Mỹ tăng mạnh.