Bài liên quan |
Quảng Ninh: Khắc phục hậu quả của bão số 3 và ứng phó với hoàn lưu sau bão |
Chỉ thị 04 của NHNN: Triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão số 3 |
Cơn bão số 3 vừa qua đã gây ra những tác động nghiêm trọng, làm gián đoạn hàng loạt hoạt động kinh tế, từ logistics, sản xuất, nông nghiệp đến thương mại và du lịch, đồng thời gây sức ép lớn lên ngành ngân hàng và bảo hiểm. Theo ước tính của FiinGroup, những thiệt hại từ bão có thể khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 giảm khoảng 0,15%.
Bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc trong tháng 9, để lại những hậu quả nặng nề tại các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh và một số khu vực lân cận. Các địa phương bị ảnh hưởng đóng góp khoảng 25,81% GDP cả nước, với 111 khu công nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp bị tác động trực tiếp. Ước tính tổng thiệt hại kinh tế lên tới hơn 40 nghìn tỷ đồng.
Bão số 3 tác động mạnh nhất tới những ngành nghề nào? |
Sự tàn phá của cơn bão đã gây đình trệ nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Hải Phòng và Quảng Ninh, hai trung tâm sản xuất và xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, chịu ảnh hưởng nặng nề do cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, khiến các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Ngành du lịch – mũi nhọn kinh tế của Quảng Ninh với các địa danh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long cũng chịu tổn thất lớn khi các điểm du lịch bị đóng cửa, gây sụt giảm nghiêm trọng doanh thu từ các dịch vụ lữ hành và lưu trú, dẫn đến hàng ngàn người lao động mất việc.
Ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể trả nợ đúng hạn do tác động của bão, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng lên đến khoảng 100.000 tỷ đồng. Để giảm bớt gánh nặng cho khách hàng, các ngân hàng đã triển khai các biện pháp hỗ trợ như giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ.
Cùng với đó, ngành bảo hiểm đang phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu bồi thường, chủ yếu liên quan đến bảo hiểm tài sản và nhân thọ. Thiên tai liên tiếp đã làm gia tăng mức độ rủi ro cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ, tạo ra nhiều thách thức mới.
Dù vậy, quá trình phục hồi sau bão cũng mở ra cơ hội cho một số ngành kinh tế. Theo FiinGroup, ngành vật liệu xây dựng sẽ tăng trưởng nhờ nhu cầu sửa chữa và tái thiết cơ sở hạ tầng. Đồng thời, logistics và bán lẻ cũng có thể hưởng lợi khi nhu cầu khôi phục chuỗi cung ứng và tiêu dùng nội địa gia tăng.
Cơn bão số 3 đã đặt ra những thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp kịp thời của Chính phủ với các biện pháp phục hồi kinh tế, các gói hỗ trợ tài chính, và đầu tư tái thiết cơ sở hạ tầng, đời sống người dân và hoạt động của các doanh nghiệp dự kiến sẽ sớm trở lại bình thường.