Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng, không phải ngẫu nhiên, Bộ Chính trị và các cơ quan quản lý nhà nước có rất nhiều văn bản liên quan đến an toàn dự trữ xăng dầu. Mặt hàng này là nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế; xảy ra thiếu xăng dầu thì hệ lụy vô cùng lớn vì sẽ làm gián đoạn sản xuất, lưu thông và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Không có sản xuất sẽ không có việc làm, gây ra bất ổn xã hội. Niềm tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước cũng lung lay.
Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của xăng dầu, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng so sánh: “Người bình thường có thể nhịn ăn 1 tuần nhưng đất nước “nhịn” xăng dầu một ngày sẽ tê liệt toàn bộ”. Ông cho biết, hàng năm, Hoa Kỳ dự trữ khoảng 434 triệu thùng dầu, tương đương 60 tỷ lít. Kế đó là Trung Quốc, năm 2022 mua của Nga 86,25 triệu tấn; nhập vào 11,5 tỷ mét khối khí đốt… Trong khi đó kho dự trữ của Việt Nam bình quân mỗi năm có 370.000m3, tương đương 3 triệu lít. “Đây là con số rất khiêm tốn. Nếu không dự trữ cẩn thận thì không bảo đảm đối phó với những rủi ro lớn”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Dự trữ xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng, song hiện nay rất khó khăn. Đến nay, hệ thống kho dự trữ xăng dầu nước ta đã được phân bố trên phạm vi cả nước, nhưng lại chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia. Xăng dầu dự trữ vẫn phải gửi tại kho của doanh nghiệp với lượng thành phẩm chỉ khoảng 9 ngày nhập ròng. Tổng mức dự trữ xăng dầu gồm: lưu thông, sản xuất và dự trữ quốc gia khoảng 65 ngày nhập khẩu ròng.
Thực tế hiện nay, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước, nhưng tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn. Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành.
Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công Thương, hệ thống dự trữ xăng dầu có vai trò quan trọng bảo đảm nguồn cung phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu tiêu thụ của người dân, đặc biệt trong biến động thị trường hoặc trong các tình huống bất ngờ.
“Việc coi trọng công tác xây dựng quy hoạch hạ tầng dự trữ vừa đảm bảo vai trò, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy hoạch cũng để định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các nhà đầu tư đầu tư xây dựng hệ thống dự trữ hạ tầng xăng dầu”, ông Giang nói.
Phân tích những khó khăn về đầu tư hệ thống dự trữ xăng dầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Dự kiến mỗi một năm phải chi ra khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để chuẩn bị cho hệ thống dự trữ. Để có hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh thì cần tới 270.000 tỷ đồng, và đây là một con số rất lớn. Nếu để Nhà nước đứng ra lo toàn bộ khoản này sẽ rất khó khăn, chưa tính đến các chi phí khác liên quan", ông Hùng cho hay.
Các đại biểu dự tọa đàm cho rằng, dự trữ xăng dầu khi được đầu tư đủ lớn sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề, trước hết là bảo đảm cung ứng xăng dầu; duy trì nguồn cung xăng dầu cho các đầu mối tiêu thụ; chủ động và bình ổn giá khi thị trường có biến động.
Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để giải quyết câu chuyện thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cục bộ, bảo đảm an ninh năng lượng cần phải có luật về dự trữ xăng dầu, hoặc đạo luật riêng về dự trữ năng lượng của quốc gia.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại các hợp đồng tín dụng có liên quan. Cần thiết phải đưa vào thanh tra giám sát chặt chẽ, tránh hiện trạng ông nói xuôi, bà nói ngược. Muốn bảo đảm xã hội hóa, cần nới lỏng chính sách tín dụng, có chính sách ưu tiên, ưu đãi, đánh giá hợp lý không cảm tính, cần có chính sách tín dụng riêng về lĩnh vực này, ông Nhưỡng đề xuất.
P.V (t/h)