"AI là một trong những chìa khóa để tối ưu quy trình sản xuất cho doanh nghiệp"

22:43 22/03/2024

Đây cũng là nhận định của ông Trần Tịnh Minh Triết, Giám đốc giải pháp SAP Việt Nam khi chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập. Theo ông, AI sẽ là công cụ giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn để về chất lượng và hiệu suất sản xuất.

Phát biểu tại sự kiện về giải pháp sản xuất dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra chiều ngày 22/3, ông Trần Tịnh Minh Triết, Giám đốc giải pháp SAP Việt Nam, đồng thời là diễn giả của sự kiện đã chia sẻ, AI đóng vai trò cốt lõi trong quản trị doanh nghiệp. Ông cho rằng, trước đây nếu một doanh nghiệp muốn quản lý quy trình sản xuất thì phải dùng camera để theo dõi, còn bây giờ khi áp dụng công nghệ AI thì nó sẽ phát hiện ra những lỗi trong quá trình sản xuất và đưa ra phương hướng điều chỉnh phù hợp với dây chuyền sản xuất đó. 

Ngày nay, hệ thống tự động hóa có xu hướng tích hợp các giải pháp AI để nâng cao khả năng dự đoán, điều chỉnh linh hoạt và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Để bàn luận sâu về vấn đề này, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Tịnh Minh Triết để làm rõ hơn về tầm quan trọng của AI với doanh nghiệp. 

ông Trần Tịnh Minh Triết, Giám đốc giải pháp SAP Việt Nam
Ông Trần Tịnh Minh Triết, Giám đốc giải pháp SAP Việt Nam.

PV: Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố mạnh mẽ đằng sau sự phát triển của tự động hóa sản xuất. Và có thể nhận thấy rằng, việc áp dụng công nghệ AI không chỉ dừng ở các doanh nghiệp lớn, mà ngay cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay cũng đang đặt ưu tiên hàng đầu vào việc ứng dụng AI để đơn giản hóa quá quá trình sản xuất. Vậy ông có nhận định gì về thực trạng này?

Ông Trần Tịnh Minh Triết: Công nghệ AI không chỉ cho doanh nghiệp lớn mà dành cho tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tùy theo ưu tiên của mình.

Sử dụng AI trong quá trình sản xuất công nghiệp đang trở thành một xu hướng quan trọng, mang lại nhiều lợi ích đặc biệt trong việc dự đoán lỗi và nâng cao chất lượng sản phẩm. AI sẽ là công cụ giúp doanh nghiệp giải quyết các thách thức liên quan đến chất lượng và hiệu suất sản xuất. Thông qua thu thập và phân tích dữ liệu lớn từ quy trình sản xuất, AI có thể giúp dự đoán và phát hiện các lỗi tiềm ẩn trong quá trình sản xuất trước khi các lỗi trở nên nghiêm trọng. Doanh nghiệp có thể thực hiện các biện pháp sửa chữa hoặc điều chỉnh quy trình kịp thời, ngăn chặn việc sản xuất sản phẩm chất lượng kém.

Ví dụ có một doanh nghiệp sản xuất dệt may chỉ ở cỡ vừa thôi nhưng người ta sử dụng AI để kiểm tra trực tiếp chất lượng vải, điều đó không có nghĩa là người ta sử dụng AI để thay thế con người mà là đảm bảo chất lượng vải ổn định để khi xuất khẩu sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Qua đó đảm bảo hàng đưa ra không bị khách hàng trả về. Đó là 1 ví dụ điển hình về cách doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng công nghệ AI. Tùy theo ưu tiên của doanh nghiệp, tùy theo vấn đề gì của doanh nghiệp mà có thể sử dụng AI để hỗ trợ cho mục tiêu của mình

AI không nhất thiết phải là một phần mềm để sử dụng vào những vấn đề lớn mà nó còn có thể xử lý từ những việc nhỏ nhất để mỗi 1 doanh nghiệp nào cũng có thể sử dụng. Có một số doanh nghiệp sử dụng AI trong sản xuất, họ sử dụng từ những mục đích đơn giản nhất như quản lý chất lượng sản phẩm, bảo trì máy móc,…

Các doanh nghiệp khi họ sử dụng phần mềm AI thì họ phải biết là phần mềm đó giải quyết những vấn đề gì. Ví dụ như trong một doanh nghiệp có nhiều phần mềm về AI để forecast (dự báo) hàng tồn kho, AI tự động matching invoice (so khớp hóa đơn), AI tự động phỏng vấn một nhân sự mới... Những phần mềm AI đó thường được phát triển dựa trên nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Đó là cách doanh nghiệp quản lý sự phát triển AI của họ.

AI có thể nói là một trong những chìa khóa để tối ưu quy trình sản xuất cho doanh nghiệp. Trong tương lai, AI sẽ xâm nhập vào tất cả các doanh nghiệp, điều này buộc doanh nghiệp nếu muốn phát triển nhanh và bền vững đều nên áp dụng công nghệ AI dù mục đích đó là lớn hay bé. Ví dụ như, hiện đã có nhiều doanh nghiệp ứng dụng phần mềm ChatGPT để tìm thông tin, để tìm quy trình,.. Đó chính là cách ứng dụng AI trong doanh nghiệp. Đôi khi, chúng ta ứng dụng AI một cách tự nhiên đến nỗi chúng ta còn không nhận ra mình đang ứng dụng chính công nghệ AI để phục vụ cho mục đích làm việc. Đó chính là làn sóng thay đổi liên tục hằng ngày.

Ông mới có nhắc đến ứng dụng ChatGPT, hiện nay đang có một thách thức đặt ra đối với người sử dụng các phần mềm chatbot như ChatGPT hoặc các phần mềm AI là thông tin bị sai lệch hay bảo mật thông tin. Vậy doanh nghiệp khi áp dụng AI thì cần lưu ý điều gì?

Ông Trần Tịnh Minh Triết: ChatGPT hiện nay đôi khi có xuất hiện một số lỗi bởi vì nó sử dụng dữ liệu từ 2021 trở về trước và kết quả cho mình có lúc sẽ chưa được cập nhật. Tuy nhiên trong sản xuẩt thì việc doanh nghiệp ứng dụng AI là buộc doanh nghiệp đó phải sử dụng dữ liệu sẵn có trong sản xuất, đó là dữ liệu bên trong của doanh nghiệp. Nếu dữ liệu đó càng chính xác thì AI hoạt động càng hiệu quả. Do đó sử dụng AI trong sản xuất có thể nói là tương đối an tâm hơn.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây đã dự báo AI có có thể thay thế 85 triệu vị trí việc làm vào năm 2025. Điều này đang cho thấy khả năng tác động mạnh mẽ lên xu hướng thị trường lao động của AI. Vậy tại Việt Nam, trong tương lai, ông đánh giá sẽ có những tác động nào của công nghệ AI đến thị trường lao động trong nước?

Ông Trần Tịnh Minh Triết: Người ta thường nói là càng tự động hóa thì yếu tố con người càng bị giảm đi, mà càng giảm đi thì số người lao động bị mất việc sẽ tăng lên. Thế nhưng thường doanh nghiệp sẽ đo lường mức độ hợp lý và hiệu quả khi sử dụng AI.

Khi sử dụng AI, doanh nghiệp sẽ sử dụng cho những quy trình lặp đi lặp lại nhiều lần, trong khi đó nếu là con người làm cùng công việc đó đôi khi sẽ còn mắc sai lầm và việc sử dụng AI lúc này sẽ giúp hạn chế những lỗi đó.

Sự tự động hóa thông qua AI có thể gây mất việc làm, nhưng cũng tạo ra cơ hội mới. Khi doanh nghiệp sử dụng AI, nhân viên có thể chuyển sang các công việc mang lại giá trị cao hơn. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị từ cả doanh nghiệp và người lao động để thích nghi với sự phát triển của AI.

AI nổi lên như một công nghệ có khả năng “cách mạng hóa” hàng loạt lĩnh vực. Tuy nhiên, những doanh nghiệp muốn ứng dụng công nghệ này thường bị choáng ngợp bởi vô vàn phương pháp. Vậy đứng trước sự phát triển ngày một lớn của AI, doanh nghiệp và người lao động cần chuẩn bị những gì?

Ông Trần Tịnh Minh Triết: Trong bối cảnh hiện nay, sự áp dụng của AI không chỉ là một xu hướng mà là một cơ hội cho sự phát triển bền vững của cả doanh nghiệp và người lao động. Việc chuẩn bị và thích nghi với sự thay đổi này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thành công trong thời đại kỹ thuật số.

Về doanh nghiệp, trước hết doanh nghiệp cần hiểu thật rõ rằng bản thân họ muốn ưu tiên gì về kinh doanh, muốn xử lý những vấn đề gì trong kinh doanh. Những vấn đề đó có lặp đi lặp lại nhiều lần hay không và xử lý AI mang lại lợi ích gì. Ngoài ra, doanh nghiệp phải xác định liệu công nghệ AI mà họ cần sẽ thay thế hay nâng cao kỹ năng sẵn có. Để ứng dụng AI nhằm nâng cao kỹ năng, doanh nghiệp cần phát triển chương trình đào tạo, cơ chế phản hồi, và hệ thống đo lường hiệu suất công việc phù hợp. Ngược lại, khi đưa AI vào thay thế kỹ năng thì doanh nghiệp cần có chiến lược toàn diện tập trung vào tư duy phát triển của tổ chức, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và lập kế hoạch dự phòng.

Còn về mặt con người thì buộc phải làm quen với AI vì dù gì đi nữa nó sẽ vẫn tồn tại. Nếu doanh nghiệp này không sử dụng thì doanh nghiệp khác sẽ sử dụng. Vì thế con người để thích nghi với sự phát triển của AI thì buộc phải tìm đến những công việc có giá trị hơn để mình có thể chuyển đổi công việc của mình.

Xin cảm ơn ông về cuộc chia sẻ!

Bảo Bảo (thực hiện)