Việt Nam cần làm gì để vượt bẫy kinh tế do dịch Covid-19?

00:00 12/10/2020

Các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng Việt Nam trong tình trạng bình thường mới cần tránh được bẫy kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, nắm lấy cơ hội kinh tế trong bối cảnh hiện tại đồng thời tìm động lực mới để phát triển kinh tế trong tương lai.

Kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2020, với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1,8% trong sáu tháng đầu năm 2020 và là mức thấp nhất trong ba thập niên qua. Dù vậy, WB vẫn đánh giá tích cực viễn cảnh phát triển Việt Nam hiện tại và trong trung hạn. 

Nếu kinh tế thế giới từng bước được cải thiện, GDP Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa sau năm 2020, với tăng trưởng kinh tế quốc gia đạt khoảng 2,8% cho cả năm, cao thứ 5 thế giới, theo ông Jacques Morisset – kinh tế trưởng của WB. Tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục được nâng lên đến 6,8% vào năm 2021 theo kịch bản cơ sở.   

Việt Nam cần làm gì để vượt bẫy kinh tế do dịch Covid-19?  - ảnh 1

Nguồn: Báo cáo Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? của WB, ra mắt ngày 30.7. 

 

Trong trường hợp tình hình bên ngoài kém thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt tăng trưởng lần lượt ở mức 1,5% vào năm 2020 và 4,5% vào năm 2021. “Cho dù theo kịch bản nào thì Việt Nam vẫn được cho là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao trên thế giới vào năm 2020,” WB nhận định trong báo cáo Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? ra mắt hôm qua, 30.7.

Một thực trạng đáng báo động là Việt Nam đang đứng trước bẫy kinh tế mùa Covid-19, với trụ cột tăng trưởng trước giờ là sức cầu nước ngoài và tiêu dùng trong nước, nhưng hiện đều đang co cụm vì đại dịch. “Cả trong nước và trên thế giới, mọi người sẽ chi tiêu ít đi và tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh bất định,” ông Morisset chỉ ra.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết đạt gần 16 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm. Dù vậy dòng vốn này vẫn thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này đồng nghĩa Việt Nam cần phải tìm những động lực tăng trưởng kinh tế mới. 

Kinh tế trưởng của WB cho rằng khu vực kinh tế nhà nước sẽ đóng vai trò mấu chốt trong bình thường mới tại Việt Nam. Từ năm 2016, tỷ lệ nợ trên GDP của Việt Nam đã giảm gần 7% trong vòng ba năm, đồng thời chính phủ cũng đã tích trữ được nhiều ngân quỹ trong năm 2019.

“Việt Nam cần chi nhiều hơn và tốt hơn để tăng cầu cho nền kinh tế trong nước,” theo ông Jacques. Theo đó, việc phân bổ nguồn lực cần phải ưu tiên những ngành nhất định, trong đó có du lịch, vận tải và sản xuất chế tạo – những ngành sẽ đóng vai trò thiết yếu trong quá trình hồi phục hậu dịch.

Việt Nam cần làm gì để vượt bẫy kinh tế do dịch Covid-19?  - ảnh 2

Ông Jacques Morriset - kinh tế trưởng WB (ở giữa) và bà Stefanie Stallmeister, giám đốc WB tại Việt Nam tại buổi ra mắt báo cáo điểm lại kinh tế Việt Nam ngày 30.7. Ảnh: World Bank cung cấp.   

 

Một trong những thay đổi dễ nhận ra là sự lên ngôi của nền kinh tế không tiếp xúc trong mùa dịch. Đây là một xu hướng giúp quá trình chuyển đổi số của các hoạt động dịch vụ như y tế, giáo dục, bán lẻ được thúc đẩy nhanh hơn.

Theo ông Jacques, nền tảng chuyển đổi số của Việt Nam hiện tương đối vững vàng với tỷ lệ người, kể cả người nghèo, được sở hữu điện thoại thông minh cao và hạ tầng viễn thông tốt hơn nhiều so với các quốc gia đang phát triển khác.

Mặt khác, 2/3 người Việt Nam vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. “Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở cửa với các hình thức tài chính mới có khả năng giải quyết tình trạng bất bình đẳng sẽ phát sinh trong bình thường mới,” ông Jacques Morriset nhận định. 

WB cũng khuyến cáo Việt Nam cần tận dụng hiện trạng kiểm soát dịch hiệu quả để quảng bá và nâng cao hình ảnh trên thế giới. “Nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng Covid-19, Việt Nam có được cơ hội đặc biệt để tăng hiện diện của mình trên kinh tế toàn cầu,” bà Stefanie Stallmeister, giám đốc WB tại Việt Nam chỉ ra. 

Một trong những xu hướng dịch chuyển của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian qua là việc các chính phủ và doanh nghiệp nhận ra họ cần đa dạng hoá chuỗi cung để không còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Với lợi thế nằm kề bên Trung Quốc, việc chuyển dịch chuỗi cung sang Việt Nam cũng sẽ được nhiều công ty nước ngoài cân nhắc vì quá trình sẽ dễ dàng và tiết kiệm hơn.

Thực tế nhiều doanh nghiệp vốn đã có mặt tại Việt Nam và đang tính tới việc tái cân đối đầu tư, chứ không phải đầu tư mới. “Nếu muốn thu hút các nhà đầu tư, Việt Nam sẽ cần chủ động nhiều hơn trong việc đào tạo nâng cấp doanh nghiệp và lao động trong nước,” ông Jacques Morriset khuyến nghị. 

Giang Lê

Tags: