Tìm cách mở “cánh cửa” cho hộ kinh doanh

00:00 12/10/2020

Sửa đổi và bổ sung năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, nhưng Luật Doanh nghiệp (DN) sau hơn 3 năm đi vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho DN...

Trong đó không thể không kể đến việc “bỏ rơi” một đối tượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế là hộ kinh doanh (HKD), nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực để đạt được mục tiêu phát triển số lượng DN lên con số 1 triệu vào năm 2020… Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn ý kiến trái chiều. Doanh nghiệp & Hội nhập ghi nhận những ý kiến xung quanh vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Bàn về vần đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết: Chủ trương giúp HKD nâng cấp lên thành doanh nghiệp là cần thiết vì sẽ giúp các hộ kinh doanh đó hoạt động làm ăn quy mô, bài bản, đúng pháp luật hơn, góp phần tăng khoản thu thuế lâu dài cho Nhà nước, góp phần để Việt Nam quản lý tốt hơn nền kinh tế phi chính thức. Tuy nhiên, theo ông Lực, muốn làm được việc đó, cần luật hóa vào Luật DN, đó là: Quy trình thủ tục để cho phép họ nâng cấp từ HKD thủ tục phải đơn giản, ngắn gọn tức là nâng cấp khâu cấp phép, khâu này nâng cấp phải khẩn trương. Cần phải cân nhắc cho phép họ được miễn, giảm thuế trong những năm đầu hoạt động, có thể là 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm tùy vào cân đối ngân sách nhà nước. Hỗ trợ HKD về mặt quy trình, thủ tục, hồ sơ, sổ sách cũng như quản lý tài chính kế toán, quản trị DN sau khi họ đã được nâng cấp bằng cách phải có tổ chức tư vấn, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn… Có sự phối kết hợp cơ quan chức năng các bộ ngành địa phương có liên quan một cách thực chất và hiệu quả. Tức là khi muốn nâng cấp HKD thành DN thì vai trò của cấp dưới rất quan trọng khi hỗ trợ họ. Ví dụ như phối hợp với Bộ Tài chính (về thuế) Bộ Kế hoạch- Đầu tư (vấn đề thành lập doanh nghiệp). Đồng thời phải lưu ý xây dựng cơ sở dữ liệu DN ngay từ đầu vì liên quan đến rất nhiều khâu báo cáo, thống kê, theo dõi và sau này muốn chạy kinh tế số, DN số là phải xuất phát từ cơ sở dữ liệu.

Đồng quan điểm với ông Lực, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: Chuyển đổi HKD lên DN là chủ trương vừa có lợi cho DN chuyển đổi, vừa có lợi cho nền kinh tế. Chủ trương này góp phần thúc đẩy chính quyền thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính thông thoáng hơn. Qua đó giúp DN dễ dàng nhận diện cơ hội làm ăn lớn hơn, áp lực tuân thủ pháp luật buộc DN phải minh bạch hơn, quản lý bài bản hơn. Để chuyển đổi HKD lên thành DN thì trước hết cần phải có đánh giá một cách khoa học và chính xác về thực trạng kinh tế hộ gia đình như thế nào.

TS. Lê Đăng Doanh

“Nên khuyến khích tạo điều kiện cho các HKD đăng ký trở thành DN. Đơn giản hóa các thủ tục thuế đối với HKĐ tránh “cồng kềnh” tránh đòi hỏi người ta có chuyên gia về tài chính, kế toán,… như vậy sẽ làm cho kinh doanh dễ dàng hơn. Do các HKD còn hạn chế về tiền vốn, trình độ kinh doanh, phạm vi thị trường nên cần chương trình hỗ trợ tín dụng ưu tiên để cho HKD cải thiện tài sản cố định và có thể thực hiện mở rộng thị trường và thực hiện đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các tỉnh nên có đề án chương trình giúp đỡ DN, HKD phát triển đăng ký trở thành những DN thực sự hay các chương trình đào tạo lại lao động để hỗ trợ nâng cao trình độ NLĐ, cần có kế hoạch đồng bộ và mỗi tỉnh cần có kế hoạch riêng…”, ông Doanh đề xuất.

Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, muốn chuyển đổi từ HKD lên DN phải dựa trên “tinh thần tự nguyện” hoặc chúng ta vẫn tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục cải cách thì HKD sẽ dần chuyển lên và vẫn theo tinh thần khung khổ pháp lý từ trước đến nay, tức là làm sao hoàn toàn để tự do thị trường dẫn dắt, môi trường kinh doanh thay đổi và HKD cảm nhận rồi tự phát triển lên thành DN. Một cách tiếp cận nữa là “ép buộc”, “ép buộc” ở đây là đưa vào Luật DN sửa đổi. Trong “ép buộc” cũng có bước đi, cách đi khác nhau như: Luật quy định HKD có một thời hạn phải chuyển lên DN hay bắt buộc này gắn nhiều phân loại HKD 6 triệu hộ, 1.5 triệu hộ đã đóng thuế rồi hoặc chưa đóng thuế. Đối với HKD đóng thuế rồi thì có thể đẩy nhanh hơn lên thành DN bằng cách có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để theo thời gian họ chuyển có thể là 3 năm, 5 năm. Những hộ còn lại sẽ thấy tấm gương và đi theo…

 Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

 “Mỗi cách đều có cái hay và dở, chúng ta nên đặt lên bàn tất cả. Có vẻ cách tiếp cận khác là chính thức hóa, có phân loại, có bước đi, có những động lực ban đầu thì ổn hơn. Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng không thể bỏ qua là nên lắng nghe tiếng nói của các HKD, luôn luôn lắng nghe phản hồi thị trường để giúp đỡ họ”, ông Thành nhấn mạnh.

Khác với ý kiến của các chuyên gia trên, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không nên đặt vấn đề để HKD chuyển lên DN mà phải ứng xử thế nào với HKD để giúp họ kinh doanh một cách chuyên nghiệp, kinh doanh một cách bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp và tạo cho lĩnh vực này một cơ hội để phát triển mới là vấn đề quan trọng hiện nay. HKD vẫn phải là một mô hình kinh doanh, phải được tồn tại và thừa nhận nhưng sẽ phải hoàn thiện khung khổ pháp luật cho nó để nhằm tạo thuận lợi, trao thương quyền kinh doanh đầy đủ cho HKD để họ phát huy tối đa về nguồn lực, về đầu tư; xác định rõ bản chất địa vị pháp lý để minh bạch hơn với bên thứ ba. Việc quy định HKD thành một chương trong Luật DN chỉ là kỹ thuật. Mọi người hay thảo luận nên hay không nên đưa vào Luật DN nhưng tại sao không nghĩ là làm gì với nó? Cá nhân tôi không ủng hộ quan điểm “chuyển đổi HKD lên thành DN” vì bắt HKD lên thành DN mà lợi ích chưa thấy rõ nhưng những tác động bất lợi “đầy rẫy”.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) 

Lý giải về ý kiến trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, vấn đề hiện nay là sửa Luật DN thì sửa gì cho HKD, điều gì sẽ xảy ra đối với HKD và ông Hiếu đưa ra một số quan điểm sau: Người ta lo lắng sẽ xóa sổ HKD, “bắt” hết HKD lên thành DN theo các loại hình của Luật DN. Chia sẻ về lo lắng trên, ông Hiếu cho rằng, chưa có cơ sở gì có thể yêu cầu bằng biện pháp hành chính bắt các HKD lên thành DN. Tôi chưa nhìn thấy lí lẽ, cơ sở thực sự gì thuyết phục để làm việc này cần một cách gọi là “hành chính”. Hiện tại, Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ năm 2018 cũng có một số chính sách ưu tiên cho HKD chuyển đổi lên thành DN song vẫn cần tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kính doanh. Đồng thời, cần sửa đổi quy định về kế toán, nộp thuế phù hợp với DN nhỏ như không bắt buộc phải có bộ máy kế toán, chỉ cần bố trí người làm kế toán, khuyến khích doanh nghiệp tự ghi chép. Bên cạnh đó, cần rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để bãi bỏ các quy định tạo cản trở, các địa phương. Nếu muốn tạo động lực cho HKD chuyển lên thành DN, cần phân loại HKD thành các nhóm kinh doanh để có cơ chế phù hợp. Ví dụ như với HKD nhỏ, siêu nhỏ, họ có thể nộp thuế khoán và văn minh hơn là theo phần trăm doanh thu hoặc ghi chép sổ sách kế toán theo doanh thu đầu vào đầu ra.

“Chúng ta phải hiểu khung khổ điều chỉnh HKD không phải chỉ có Luật DN mà có cả hệ thống luật khác như Luật Thuế, Luật Kế toán, Luật Tài chính,… Nghĩa là nó có cả một hệ thống pháp lý nên sửa Luật DN thì mới chỉ sửa được một phần. Cho nên phải khẳng định, muốn cho HKD phát triển thì không những sửa Luật DN mà còn phải sửa tất cả các luật khác để đảm bảo tạo ra được môi trường kinh doanh phù hợp với HKD”, ông Hiếu kiến nghị.

Theo Tổng cục Thống kê (năm 2018), tính đến năm 2017, cả nước có trên 5,14 triệu HKD. Các HKD cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các DN hoạt động chính thức. Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các HKD cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành DN, mặc dù Luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này.

An Thảo – Thu Giang