Lại đề xuất chuyển đổi rừng tự nhiên để làm điện gió!

16:30 19/11/2020

Dư luận chưa hết bức xúc về việc phá rừng để làm nhà máy thủy điện nhỏ thì đến lượt UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất chuyển đổi 28 ha rừng tự nhiên để làm điện gió!.

Đề xuất trên và một số đề xuất khác của UBND tỉnh Bình Thuận trình bày tại Tờ trình số 4141/TTr-UBND ngày 23/10/2020, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thẩm định, trước khi xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110KV. Được biết, Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2  công suất 100 MW được xây tại xã Hòa Thắng và thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Chú thích ảnh: Người dân chăn thả trâu bò trong lòng Hồ Suối Đá, Hàm Thuận Bắc, đã cạn trơ đáy, mặt đất nứt nẻ vì hạn hán. Ảnh: Báo Tin tức

Ở đây khoan nói đến tính cấp thiết của Dự án. Việc phát triển năng lượng điện tái tạo, trong đó có điện gió là chủ trương đúng đắn, cần khuyến khích. Nhưng với Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 thì chưa đến nỗi “cháy nhà chết người”. Bởi, như chúng tôi được biết, tiến độ Dự án mới chỉ thiết kế cơ sở, đang đàm phán hợp đồng cung cấp thiết bị và dịch vụ. Công suất của Nhà máy không lớn, chỉ bằng công suất Nhà máy Nhiệt điện Thái Nguyên. 

Vậy mà, đúng vào lúc dư luận đang bức xúc về việc phá rừng tự nhiên để làm thủy điện nhỏ thì đến lượt UBND tỉnh Bình Thuận trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định việc chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên để làm nhà máy điện gió.

Ai cũng biết, cái gọi là “chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên”, thực chất là phá rừng tự nhiên để làm nhà máy điện gió. Trong khi, Bình Thuận là đất khô cằn, nhiều nắng gió; mùa khô năm nào cũng xảy ra hạn hán. Trên các báo từng đăng tải bài viết và hình ảnh cảnh hạn hán ghê gớm ở Bình Thuận. Chẳng hạn, Báo Nhân dân ngày 13/06/2020, trong bài “Bình Thuận ứng phó với hạn hán gay gắt” cho biết: “Nhiều hồ thủy lợi cạn khô, trơ đáy. Đến tháng 5/2020, trong toàn hệ thống chỉ còn khoảng trên 27 triệu m3, chưa tới 11% dung tích thiết kế; chỉ bằng 1/3 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, và chỉ bằng 31% so với thời điểm xảy ra hạn hán năm 2016. 

Nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng, nhất là địa bàn huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, từ cuối tháng 4/2020, toàn tỉnh này đã có 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Hơn 26.000 gia đình với trên 97.000 người ở khu vực nông thôn đang thiếu nước sinh hoạt.

Rõ ràng, đối với người dân nơi đây, rừng vô cùng quý giá. Rừng sẽ giữ nước ngọt cho mùa khô, điều tiết lũ mùa mưa. Lâu nay, có rừng đã xảy hạn hán khủng khiếp như thế, mai này rừng bị phá, nạn hạn hán, lũ lụt còn hoành hành người dân nơi đây khốc liệt như thế nào?.

Tuy nhiên, sau khi xem xét, Bộ NN&PTNT nhận thấy đề xuất trên của Bình Thuận còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ; chưa đủ điều kiện xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án. Bộ NN&PTNT còn đề nghị, UBND tỉnh Bình Thuận cần cân nhắc cẩn trọng trọng đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đặc biệt đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, cũng như các hoạt động tác động vào làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên khu vực ven biển..

Hoan hô Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn!

Minh Hoa