Xuất khẩu sầu riêng dự kiến tiếp tục bứt phá khi Trung Quốc mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng trong năm 2025 |
Ngày 10/1, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vừa nhận được cảnh báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối với lô hàng trái cây tươi (bao gồm sầu riêng và mít) xuất khẩu từ Việt Nam và nước này không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Theo thông báo, tình trạng các lô hàng trái cây liên tục bị cảnh cáo nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do đó, để tăng cường quản lý chất lượng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam, bảo đảm việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát từ nước nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị siết chặt kiểm tra.
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tăng kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng trái cây xuất khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; tuyên truyền, tập huấn để phổ biến rộng rãi quy định của nước nhập khẩu.
Đặc biệt, cơ quan chuyên môn phải thông báo tạm dừng toàn bộ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Cục Bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, các vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng phải thực hiện nghiêm việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và truy xuất nguồn gốc như một điều kiện bắt buộc trong việc cấp và duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo yêu của nước nhập khẩu.
Đối với các chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép tổ chức, cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng, cơ sở đóng gói của mình, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu phải gửi văn bản thông báo về Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Trong thông cáo nêu rõ về dự kiến khối lượng xuất khẩu từ vùng trồng trong năm và tên đơn vị xuất khẩu. Sau khi nhận được văn bản thông báo, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổng hợp và gửi báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật, đồng thời cập nhật trên cơ sở dữ liệu để các chi cục kiểm dịch thực vật vùng có cơ sở làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 20/1/2025.
Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 12/2024 đạt gần 474 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước đó và tăng 15,6% so với cùng kỳ. Tính chung gần hết 12 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Đây là kỷ lục mới của ngành rau quả Việt Nam và cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024. Trong đó, nổi bật nhất là sầu riêng với giá trị chiếm gần 50% tổng kim ngạch rau quả. Ước tính, năm 2024, xuất khẩu sầu riêng thu về trên 3,3 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm 2023.
Rau quả của Việt Nam hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. Sự tăng trưởng mạnh mẽ thị trường Trung Quốc là yếu tố quyết định giúp cho xuất khẩu rau quả đạt được kết quả ấn tượng trong năm 2024. Đến hết tháng 11/2024, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 4,3 tỷ USD, cao hơn tới gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ 2023. Uớc tính trong cả năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt trên 4,5 tỷ USD. Có 15 mặt hàng trái cây Việt Nam đang được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch. Hiện, Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác như bưởi da xanh, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới...