Ts. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Theo Ts. Cấn Văn Lực, kinh tế thế giới năm 2018 tăng trưởng khoảng 3.2%, dự kiến năm 2019 thấp hơn đạt 2,9%. Lý do giảm là từ Trung Quốc, quốc gia đóng góp tới 34% tăng trưởng kinh tế thế giới bị tác động của chiến tranh thương mại, được dự báo sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 6,4% so với 6,6% của năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 2,9% theo dự báo là một mức rất đáng ghi nhận, khi các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 đến từ thương mại, đầu tư và tiêu dùng, với mức tăng trưởng thương mại dự kiến đạt tới 4%. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp kinh tế thế giới đạt những bước tiến vượt bậc, với những ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống, đặc biệt trong thanh toán điện tử tiến tới không dùng tiền mặt. Chiến tranh thương mại không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn giữa Mỹ và nhiều nước khác, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương và rủi ro địa chính trị là “bốn đám mây đen” chính ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới 2019.
Nhìn nhận về đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, Ts. Cấn Văn Lực cho biết, tuy trải qua một năm 2018 với những diễn biến đầy phức tạp cả về chính trị và kinh tế trên thế giới, nhưng dưới sự điều hành sáng suốt của Chính phủ, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất trong 11 năm qua, là một trong năm nền kinh tế đạt mức tăng trưởng hàng đầu khu vực, dẫn đầu là Ấn Độ. Theo dự báo, năm 2019 Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,8% như đề ra với 3 động lực tăng trưởng chính đó là xuất khẩu, đầu tư mà chủ yếu là đầu tư tư nhân và đầu tư FDI và cuối cùng là tiêu dùng đang đóng góp 6-8% GDP. Ngoài 3 động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019, lượng kiều hối lớn, tỉ giá đồng nội tệ được giữ ổn định, chứng khoán được dự đoán tăng cao năm 2019 (theo tính toán có thể lên tới 1.300 điểm) giúp kêu gọi dòng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp cũng sẽ là những động lực lớn đóng góp vào bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019.
Năm 2019 nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đà phục hồi, nhưng sẽ gặp phải nhiều rủi ro, bất định hơn so với năm 2018. ẢNh minh họa. Nguồn: Internet
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, ngay từ ngày đầu của năm 2019, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 01 và 02. Có thể nói, Nghị quyết 02 rất chi tiết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh, trong đó có đề cập đến thanh toán điện tử. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trước mắt các đơn vị xử lý công, bệnh viện, trường học ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải tiến hành thanh toán điện tử trước. Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tiếp tục tập trung vào 4 đột phá (thể chế, cơ sở hạ tầng, nhân lực, KHCN) về chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suât, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lượng cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp thuộc nhóm ASEAN 4, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh CCHC, Chính phủ điện tử, sắp xếp bộ máy tổ chức và hiệu quả ở khâu thực thi ở các cấp, xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghệ 4.0. Nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập AEC, CPTPP, EVFTA…
Bên cạnh những gam màu tươi sáng, Ts. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam 2019. Đó là tái cơ cấu chậm, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa chưa được nhiều, lĩnh vực đầu tư công chưa hiệu quả, cải thiện chưa đáng kể, tài chính ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề, nợ xấu ở mức tương đối cao, còn nhiều ngân hàng yếu kém, nợ công, thâm hụt ngân sách tính cả trả nợ gốc vẫn ở mức cao. Đặc biệt, năm nay rủi ro bên ngoài ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn, với những tác động xấu từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chiến tranh thương mại vì cả Trung Quốc và Mỹ đều là các thị trường thương mại cực kỳ quan trọng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 20%, Trung Quốc khoảng 13% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được cải thiện, năng suất lao động còn thấp, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu làm gia công, độ phức tạp trong kinh doanh, hàm lượng chất xám, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm của chúng ta quá thấp, chủ yếu bán sản phẩm thô, năng lực đổi mới sáng tạo còn yếu. Chúng ta đang muốn nâng cấp 5 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp siêu nhỏ - đó là vấn đề chúng ta đang đau đáu… Để làm được điều đó, tôi kiến nghị cơ chế nâng cấp nên thông thoáng, miễn thuế giai đoạn đầu, đồng thời tư vấn, đào tạo cho các hộ kinh doanh về quản trị doanh nghiệp.
Nhìn chung, theo Ts. Cấn Văn Lực, năm 2019 nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đà phục hồi, nhưng sẽ gặp phải nhiều rủi ro, bất định hơn so với năm 2018
Duy Thái - Thu Giang