Đón đầu khó khăn tài trợ thương mại hậu Covid-19

00:00 12/10/2020

Việc chủ động đón đầu các khó khăn về tài trợ thương mại hậu Covid-19 là một phản ứng hiệu quả để giúp đảm bảo khả năng chống chịu mà các doanh nghiệp của Việt Nam rất cần trong lúc này để tránh nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro trước “bẫy” thâu tóm.

Mới đây, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết sẽ cấp một khoản vay trị giá đến 75 triệu USD cho một doanh nghiệp (DN) lớn ở Tp.HCM để duy trì hoạt động phát triển và kinh doanh của công ty đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Giúp tăng sức chống chịu

Tổng giám đốc của DN nhận khoản vay cho biết khoản vay sẽ cho phép công ty mở rộng hỗ trợ cho các khách hàng của mình. Điều này giúp tạo nên một hệ sinh thái cộng sinh, cùng các giải pháp tương trợ lẫn nhau để cùng hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng dịch bệnh.

HINH-6846-1594285804.jpg

Các DN vừa và nhỏ rất cần tài trợ thương mại để tăng sức chống chịu hậu Covid-19

Đây là khoản vay nằm trong dự án ứng phó với Covid-19 đầu tiên của IFC tại Việt Nam. Dự án thuộc gói hỗ trợ khủng hoảng khối ngành sản xuất - hàng hóa - dịch vụ, cung cấp 2 tỷ USD trong các ngành y tế, hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ để ứng phó với đại dịch.

“Khoản tài trợ này giúp DN tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức đến từ Covid-19 như gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu ở thị trường trong nước”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết.

Theo đó, sau khi ngăn chặn đại dịch thành công, Việt Nam hiện đang khắc phục các tác động tiêu cực của Covid-19 đối với nền kinh tế, đặc biệt là trong thương mại, dịch vụ và xây dựng - những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. 

Cách đây vài tháng, IFC cũng đã tăng hạn mức tài trợ thương mại cho các ngân hàng đối tác tại Việt Nam, một sáng kiến ứng phó nhanh để “đón đầu những khó khăn về tài trợ thương mại” mà các DN Việt Nam có thể gặp phải bởi Covid-19.

Ông Vivek Pathak, một chuyên gia tài chính, cho biết: "Với kinh nghiệm từ những cú sốc trong quá khứ, chúng tôi nhận thấy việc tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở Việt Nam để hạn chế thiệt hại kinh tế là rất cần thiết. Nhất là hỗ trợ các DN trong thời kỳ khủng hoảng là đặc biệt quan trọng, bởi đây là nguồn tạo việc làm chính tại các nền kinh tế mới nổi".

Như chia sẻ của ông Vivek, tài trợ thương mại là một phản ứng hiệu quả để giúp đảm bảo khả năng chống chịu, thể hiện sự tin tưởng của phía nhà tài trợ đối với các DN trong nước nhằm giúp phục hồi nền kinh tế Việt Nam theo lộ trình tăng trưởng bền vững sau đại dịch.

Theo giới chuyên gia, sẽ tốt hơn nếu các khoản tài trợ thương mại đến được với những ngành có ảnh hưởng lớn nhất đến việc làm ở Việt Nam hậu Covid-19. Bất cứ khi nào một nền kinh tế gặp khó khăn thì việc bơm vốn nhanh chóng luôn là giải pháp hữu hiệu ngay lập tức, nhưng dòng tiền đó phải thực sự đi vào nền kinh tế và đóng góp vào tốc độ lưu chuyển tiền tệ. 

Cứu doanh nghiệp trước “bẫy” thâu tóm

Ts. John Walsh (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, đại bộ phận DN Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên đang bị ảnh hưởng khá nặng bởi dịch Covid-19. Lực lượng lao động rất lớn, đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn, lại đang làm việc cho loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, cần lưu ý hỗ trợ về vốn cho các DN này. 

Một trong những tác động nặng nề do ảnh hưởng từ Covid-19 đến các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam là sự thiếu hụt dòng tiền và điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của các DN. Trong khi đó, khối DN vừa và nhỏ đang chiếm tới 98% tổng số DN trên toàn quốc, đóng góp 40% GDP và 29% ngân sách quốc gia.

Ts. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lưu ý các DN vừa và nhỏ rất cần chuẩn bị nguồn vốn tốt và hạn chế những rủi ro để đón đầu những cơ hội cực lớn sau Covid-19 từ làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Dự kiến, làn sóng này sẽ mạnh dần lên vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh xung quanh vấn đề đón đầu khó khăn tài trợ thương mại hậu Covid-19, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho biết ở một số quốc gia, ngay từ khá sớm đã chủ động có chính sách tài trợ về vốn để “đón đầu” nguy cơ dẫn đến trường hợp xấu là DN của nước họ bị DN nước ngoài thâu tóm.

Thực tế có nhiều DN nội địa ở mức độ gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch, thiếu đi các nguồn tài chính để bù đắp những loại chi phí đang đè nặng, rất cần có sự chủ động tài trợ thương mại từ các tổ chức tài chính và phía Nhà nước. 

Bởi lẽ, nếu các DN trong nước vượt qua được giai đoạn khó khăn hậu đại dịch từ những khoản tài trợ thương mại sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế như công ăn việc làm, khả năng nộp thuế, an toàn xã hội…

“Nếu thiếu đi các khoản tài trợ thương mại hậu Covid-19 có tính chất đón đầu, khả năng không ít DN Việt bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài trong lúc này sẽ rất lớn và rất nguy hiểm”, ông Dũng lưu ý.

Theo đó, nếu gặp khó trong vấn đề tài trợ thương mại, “bẫy” thâu tóm của khối ngoại đối với khối nội sẽ dẫn đến việc DN ngoại hoạt động sản xuất kinh doanh theo ý đồ riêng của họ, mà có thể phía cơ quan quản lý không thể kiểm soát được. Và nếu không quản lý được thì phía DN thâu tóm sẽ thao túng thị trường hoặc độc quyền theo ý đồ của họ, thiệt hại cho nền kinh tế sẽ còn lớn hơn.

 Thế Vinh