Doanh nghiệp 'ôm đất vàng', ô nhiễm môi trường khó tránh

00:00 12/10/2020

Theo lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời hàng loạt nhà máy, xí nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô Hà Nội, nhưng tiến độ hiện nay gần như dậm chân tại chỗ. Các chuyên gia cho rằng lộ trình di dời cần chia nhỏ, xử lý từng cơ sở, huy động nguồn lực của xã hội sẽ khả thi hơn.

Vụ hoả hoạn xảy ra tại CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã để lại hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp (DN) và các hộ dân lân cận, là hồi chuông cảnh báo “bệnh” chây ì của các cơ quan quản lý về việc di dời nhà máy, xí nghiệp ra ngoại ô.

Tiến độ di dời chậm

Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015, đến năm 2020, Hà Nội sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.

Trong đó, quận Đống Đa có 15 cơ sở; quận Ba Đình: 2 cơ sở; quận Cầu Giấy: 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng: 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm: 6 cơ sở; quận Hà Đông: 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm: 6 cơ sở; quận Thanh Xuân: 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm: 2 cơ sở; quận Hoàng Mai: 11 cơ sở; quận Long Biên: 17 cơ sở.

Bên cạnh đó, UBND Tp. Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục di dời. Trong đó, kết quả phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường có 23 đơn vị nước thải đạt quy chuẩn cho phép; 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường; 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường cần sớm di chuyển ra khỏi nội đô

Thực hiện chủ trương trên, UBND Tp. Hà Nội đã có những động thái dứt khoát, mạnh mẽ thúc đẩy nhanh quá trình di dời, nhằm phân giải áp lực dân cư cũng như áp lực giao thông cho Thủ đô.

Theo đó, về biện pháp di dời, Tp. Hà Nội phân loại đối với các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch đề xuất hình thức bắt buộc di dời ngay. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch tiến hành phân loại đề xuất xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị.

Liên quan đến cơ chế, theo UBND Tp. Hà Nội, cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN phải di dời thực hiện bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhà nước thu hồi đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp phải di dời để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

DN phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.

Theo lộ trình đến năm 2020, các cơ sở ô nhiễm phải di dời ra khỏi trung tâm thành phố, nhưng đến thời điểm hiện tại (quý III/2019) trên địa bàn Tp. Hà Nội vẫn còn hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp chưa chịu di dời.

Mới đây, CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xảy ra cháy, dư luận mới lo ngại bởi hàng trăm nhà máy vẫn hiện hữu tại nội đô, giữa khu dân cư đông đúc, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, có nguy cơ cháy nổ cao, tác động xấu đến cộng đồng dân cư.

Cần chia nhỏ lộ trình

Trước đó, năm 2018, người dân phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cũng đã gửi đơn lên các cấp chính quyền phản ánh công ty TNHH Dệt kim Đông Xuân nằm giữa khu dân cư đông đúc, hàng ngày xả khói thải màu trắng và màu vàng đục mù mịt cả một vùng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay, sau hàng chục năm, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Hay như CTCP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường – tiền thân là Nhà máy cơ khí Cầu Đường thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, có trụ sở tại 460 Trần Quý Cáp, hoạt động sản xuất đang xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.

Kết quả quan trắc do Sở TN&MT Hà Nội thực hiện cho thấy nhiều thông số ô nhiễm trong nước thải vượt ngưỡng cho phép, như: COD, TSS, PH, Amoni Asen.

Đây chỉ là một vài ví dụ trong hàng trăm cơ sở đang hàng ngày tồn tại với khu dân cư, gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải… Nguy hiểm hơn, nếu như xảy ra mất an toàn về phòng chống cháy nổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người dân.

Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là các khu đất trong nội đô đều ở vị trí đẹp, có giá trị cao, nên các đơn vị chần chừ trong việc di dời, bàn giao đất cho thành phố.

Trao đổi với báo chí trước đó, lãnh đạo Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội, Viện quy hoạch đô thị – nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), chia sẻ việc đặt phương án di dời tổng thể toàn bộ hệ thống trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành trung ương là không khả thi về phương án triển khai, bởi nguồn lực nhà nước hiện rất khó khăn, thậm chí cả trong tương lai gần.

Do vậy, chỉ nên xác định phương án cụ thể cho từng cơ sở theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, cần chia nhỏ, xử lý từng cơ sở, huy động nguồn lực của xã hội sẽ khả thi hơn.

Điều mà người dân mong mỏi là việc di dời các cơ sở này, quỹ “đất vàng” đó cần được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng để tạo lập không gian sống văn minh, hiện đại, bảo đảm giảm tải được áp lực về hạ tầng đô thị.

Minh Sơn