![]() |
Lễ khởi công xây dựng cầu Rạch Tôm |
Cầu Rạch Tôm mở ra cơ hội giao thương cho vùng kinh tế phía Nam TP.Hồ Chí Minh
Dự án có tổng mức đầu tư 497 tỷ đồng được Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) phê duyệt đầu tư tại quyết định định số 5337/QĐ-SGTVT ngày 31 tháng 10 năm 2019.
![]() |
Cây cầu cũ bằng sắt có tuổi thọ trên 50 năm đã xuống cấp |
Việc xây dựng mới cầu bắc qua sông Rạch Tôm thay thế cầu sắt hiện hữu đã xuống cấp không đáp ứng tải trọng khai thác, góp phần cải thiện tình hình giao thông khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông; từng bước thực hiện quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông TP. Hồ Chí Minh và kết nối liên vùng với tỉnh Tây Ninh (bao gồm tỉnh Long An cũ).
Cầu mới Rạch Tôm có thiết kế cách mố cầu cũ phía TP. Hồ Chí Minh khoảng 320m. Điểm cuối: Cách mố cầu cũ phía tỉnh Long An (nay là tỉnh Tây Ninh) khoảng 302m. Tổng chiều dài khoảng 684m, trong đó: Phần cầu: 174m, Phần đường: 510m. Mặt cắt ngang cầu 15m, với 4 làn xe.
Dự án được sự đồng thuận cao của người dân địa phương, có 111 hộ trong diện phải di dời và đến nay có 83 hộ nhận tiền đền bù, trao trả lại mặt bằng thi công cho chủ đầu tư.
![]() |
Ông Trần Văn Tuần, ngụ tại ấp 6 xã Hiệp Phước - một cư dân sống tại vùng này vui mừng khi thấy cây cầu sắt được thay bằng cầu bê tông |
Ông Trần Văn Tuần, ngụ tại ấp 6 xã Hiệp Phước cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên ở đây từ nhỏ chứng kiến cây cầu sắt này tồn tại gần 100 năm bắc qua sông Rạch Tôm, 4 năm nay luôn bị kẹt xe, xuống cấp nặng dù cây cầu được Thành phố gia cố cho an toàn. Tôi rất vui hôm nay biết cây cầu được xây mới và mong về đích tiến độ để bà con chúng tôi thoát cạn kẹt xe và đi lại an toàn.
Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết: Chúng tôi thấy thách thức không nhỏ khi thi công trên tuyến đường có mặt cắt ngang hẹp và mật độ đi lại dày đặc. Làm sao vừa đảm bảo thi công cây cầu mới, vừa đảm bảo việc giao thông liên tục trên tuyến đường Lê Văn Lương hiện hữu. Do vậy chúng tôi sẽ tổ chức phân luồng và duy trì giao thông qua cây cầu cũ làm sao đảm bảo an toàn giao thông một cách tốt nhất. Dự kiến cầu sẽ khánh thành vào 31 tháng 12 năm 2026.
Trục động lực giao thông kết nối khu vực phía Nam TP. Hồ Chí Minh
Cùng với cầu Long Kiểng và cầu Rạch Đĩa đã hoàn thành trong thời gian qua, việc khởi công dự án Xây dựng cầu Rạch Tôm hôm nay và dự án Xây dựng cầu Rạch Dơi dự kiến sẽ triển khai trong năm 2026 nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng mới, thay thế toàn bộ 04 cầu yếu trên trục đường Lê Văn Lương, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, hình thành 01 trục đường chiến lược, tăng cường nối kết với tỉnh Tây Ninh (bao gồm tỉnh Long An cũ), góp phần phát triển kinh tế xã hội trong khu vực phía Nam thành phố và phát triển hệ thống giao thông, kết nối liên vùng.
Cũng theo ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Hồ Chí Minh, khu vực Phía Nam bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ hơn so với trước kia. Ông cho biết Thành phố sẽ cải tạo đường Lê Văn Lương thay thế 4 cây cầu sắt bằng 4 cây cầu bê tông, song song đó chúng tôi phát triển đường Nguyễn Hữu Thọ thành đường Bắc Nam mới kết nối vào đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khi đường Bình Tiên được khởi công thì đây cũng chính là đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh.
Đồng thời sẽ khởi công cầu Cần giờ kết nối Phía Nam thành phố, đường trên cao kết nối khu Nam thành phố với sân bay Long Thành. Rồi cầu Cát Lái mới sẽ kết nối Nhơn Trạch với Nhà Bè.
Trục động lực nối kết TP. Hồ Chí Minh kết nối Long An, Tiền Giang song song với trục Quốc lộ 50 hiện nay sẽ tạo động lực phát triển cho khu vực phía Nam thành phố, ông Phúc chia sẻ.