Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp. UBND tỉnh liên tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm và nâng cao hiệu quả phòng ngừa sự cố môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
![]() |
Trung tâm nước và Quan trắc Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu nước suối tại xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu |
Theo bà Lê Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, trong năm 2024, Sở đã tiến hành kiểm tra theo kế hoạch tại 11 đơn vị. Qua đó, phát hiện 3 tổ chức vi phạm các quy định về môi trường, lập biên bản và trình cấp thẩm quyền xử phạt với tổng số tiền trên 650 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường thanh tra việc cấp và thu hồi giấy phép môi trường ở cấp huyện; giám sát vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải tại 11 cơ sở, trong đó 5 cơ sở thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Công tác xác minh, phản hồi thông tin từ người dân về ô nhiễm môi trường được thực hiện nghiêm túc. Trong năm, Sở đã tiếp nhận và xác minh 6 thông tin phản ánh, đồng thời ban hành 12 văn bản chỉ đạo xử lý kịp thời, minh bạch.
Tỉnh Sơn La đã thành lập Tổ công tác giám sát hoạt động bảo vệ môi trường tại 7 cơ sở chế biến nông sản tập trung, như Nhà máy tinh bột sắn Mai Sơn, Nhà máy mía đường Sơn La, Nhà máy chế biến nông sản BHL… Các khu vực sơ chế cà phê tươi ở huyện Mai Sơn và TP. Sơn La cũng nằm trong diện giám sát nghiêm ngặt.
![]() |
Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến |
Nhằm đồng bộ hóa các giải pháp, ngày 25/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1873/UBND về việc tổng rà soát, đánh giá và xử lý ô nhiễm môi trường trên toàn tỉnh. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tiến hành rà soát toàn diện các cơ sở có phát sinh chất thải, khu vực có dấu hiệu ô nhiễm như nhà máy chế biến, chăn nuôi tập trung, sông hồ, làng nghề, khu công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản... Kế hoạch kiểm tra, xử lý sẽ được xây dựng căn cứ vào mức độ ô nhiễm thực tế và phải hoàn thành trước ngày 30/5/2025.
Công an tỉnh Sơn La cũng tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có chức năng tư vấn, thẩm định, cấp phép, vận hành các hoạt động liên quan đến môi trường. Mục tiêu là sớm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, tiếp tay cho vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được giao chủ động rà soát, kịp thời xử lý các vi phạm liên quan đến môi trường, đất đai, xây dựng, thuế... tại các khu vực ô nhiễm, không để hình thành “điểm nóng” phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp.