Hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền hành động vì doanh nghiệp, tỉnh Sơn La đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua việc triển khai hiệu quả Bộ chỉ số DDCI. Đây được xem là công cụ quan trọng giúp địa phương đo lường sự hài lòng và phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp đối với hiệu quả điều hành công vụ.
![]() |
Điểm số DDCI của các sở, ban, ngành của Sơn La năm 2024 |
Theo Báo cáo PCI 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Sơn La có 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Kết quả này phản ánh sự chuyển mình đúng hướng trong công tác điều hành kinh tế và cải cách thể chế. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một số chỉ số giảm điểm như: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức và tính năng động của chính quyền địa phương.
Bà Lê Thị Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La - cho biết, DDCI được tỉnh xây dựng từ năm 2020 với mục tiêu tạo ra một công cụ quản trị minh bạch, có khả năng đánh giá chính xác mức độ phục vụ của từng sở, ngành và địa phương. Qua đó, giúp chính quyền điều chỉnh chính sách, nâng cao chất lượng điều hành, đặc biệt là thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan trong hệ thống.
![]() |
Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh xếp thứ nhất bảng xếp hạng DDCI Sơn La năm 2024 |
Năm 2024, Sơn La tiếp tục triển khai DDCI với sự hỗ trợ từ Dự án GREAT (do Chính phủ Úc tài trợ), thực hiện khảo sát 1.300 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, bao gồm các đơn vị do phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật làm chủ. Việc lồng ghép chỉ số "Đáp ứng giới trong quản lý, điều hành" giúp thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được áp dụng rộng rãi và công bằng.
Kết quả khảo sát cho thấy, sự cải thiện đáng kể trong chất lượng phục vụ doanh nghiệp ở nhiều đơn vị. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đứng đầu bảng xếp hạng nhờ tăng cường tương tác, công khai minh bạch thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Tiếp theo là Cục Thuế tỉnh và Sở Y tế. Trong khối địa phương, thị xã Mộc Châu, TP. Sơn La và huyện Yên Châu lần lượt giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng DDCI.
Ông Trần Xuân Việt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - nhấn mạnh, việc ứng dụng nền tảng số, cải tiến quy trình và thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp ngành du lịch địa phương tăng tính chuyên nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh tích cực cho môi trường đầu tư Sơn La.
![]() |
Toàn cảnh nhà máy phân bón Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc và Công ty cổ phần chế biến Cà phê Sơn La. |
Đánh giá về hiệu quả của DDCI, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh - nhận định: DDCI đã trở thành công cụ phản biện hiệu quả, giúp cơ quan công quyền nâng cao tinh thần phục vụ, đồng thời củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông cũng đề xuất các sở, ngành tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết và chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.