Doanh nghiệp giải thể cao: Sự “thanh lọc” tất yếu của nền kinh tế

00:00 12/10/2020

Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao ít nhiều cũng để lại những mối lo nhất định cho sự ổn định của nền kinh tế.


Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2018, cả nước có 121.248 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; 31.869 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong khoảng thời gian trên là 83.108 doanh nghiệp, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng năm 2018 là 14.861 doanh nghiệp, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước.

Phải nói rằng, giải thể, phá sản là một tình trạng không ai muốn, nhưng nó là thực tế của thị trường. Trong một nền kinh tế bất kỳ, không thể nào tất cả các doanh nghiệp đều làm ăn có lãi. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt, thì họ sẽ tồn tại được, còn những doanh nghiệp có năng lực bình thường hoặc yếu, thì kể cả có môi trường kinh doanh tốt, thì doanh nghiệp cũng có thể giải thể, phá sản.

Nói cách khác, thực tế này phản ánh cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nếu trước đây, thị trường Việt Nam như mảnh đất khai hoang, doanh nghiệp làm giỏi làm kém gì đều có thu nhập thì bây giờ đã có nhiều ngành, lĩnh vực nào cũng có người nọ người kia, nếu doanh nghiệp vào không có sự chuẩn bị tốt, năng lực yếu thì để kinh doanh có thành quả không hề dễ dàng.

Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa qua, trước lo ngại của các Đại biểu Quốc hội về số doanh nghiệp ngừng hoạt động và chờ giải thể không ngừng tăng cao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra 4 nguyên nhân lý giải cho tình trạng này.

Một là, do quy luật đào thải. Hai là, việc tiếp cận các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, lao động của doanh nghiệp còn rất khó khăn. Ba là, do từ tháng 4, chúng ta bước vào rà soát số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, kể cả con số từ vài năm trước nên có thể con số đã cao hơn năm trước. Bốn là, có doanh nghiệp lập nên để chuộc lợi chính sách, buôn bán hóa đơn.

Thế nhưng, cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm cao với nền kinh tế nước nhà cũng nên lắng nghe “hơi thở” từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia. Một con số thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho hay, khâu vận tải chiếm tới 40-60% chi phí logistics. Ngoài các loại phí cố định, phí cầu đường BOT còn cao hơn cả phí nhiên liệu cho cùng một quãng đường vận chuyển vì các trạm thu phí dày đặc.

“Tôi làm doanh nghiệp nhỏ nên xin được nêu rõ. Doanh nghiệp thành lập dễ nhưng phải chịu hàng loạt thuế, phí cho dù chưa hoạt động gì cả. Thuế, thanh tra, địa phương, ngành... Suốt ngày kiểm tra, đủ thứ phạt với mức cao kinh khủng mà khổ nhất doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ cũng phạt như doanh nghiệp lớn. Bế tắc, chưa kinh doanh gì được, thế là giải thể thôi” – Một chủ doanh nghiệp nói.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) phân tích: “Chi phí của các doanh nghiệp không ngừng tăng lên kéo theo lợi nhuận giảm xuống đến mức thua lỗ khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Chưa xét đến chi phí không chính thức. Riêng về chi phí chính thức, dù Việt Nam hô hào cắt giảm, nhưng thực tế chưa giảm được bao nhiêu...”.

Chúng ta không thể phủ nhận một điều, môi trường kinh doanh Việt Nam trong những năm qua đã có sự thay đổi mạnh mẽ qua các hành lang pháp lý. Chính phủ và Thủ tướng đã có những nỗ lực nhất định trong việc xây dựng Chính phủ “Liêm chính – Kiến tạo – Hành động”. Đặc biệt là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh với Nghị quyết 35 của Chính phủ và sự ra đời của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa..v..v.

Do đó, khách quan mà nói, con số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động dù tăng cao, nhưng suy cho cùng nó không phải là gam màu tối của nền kinh tế, mà đó phần nhiều là cuộc “đào thải” – doanh nghiệp nào có “sức khỏe” tốt thì sẽ tồn tại và ngược lại.

Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp không thể nào chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Bởi không có Chính phủ nào đủ ngân sách, đủ con người để thực hiện mọi chính sách hỗ trợ. Các doanh nghiệp cần phát huy được tốt nhất nguồn lực nội tại và các nguồn lực trên thị trường, trong đó lưu ý vai trò của khoa học công nghệ, vai trò của liên kết doanh nghiệp... để tận dụng tốt nhất các cơ hội thị trường mang lại.