![]() |
Động lực không đến từ cổ vũ mà từ môi trường nuôi dưỡng |
Khi nói về động lực, ông Lê Nhật Trường Chinh, CEO Success Partner chỉ ra hình ảnh một ngọn lửa bùng cháy thường là điều đầu tiên hiện lên trong tâm trí nhiều người – rực rỡ, tràn đầy nhiệt huyết. Nhưng trong thực tế đời sống và công việc, động lực không đơn thuần là sự hưng phấn ngắn hạn hay cảm xúc nhất thời. Nó là một dòng chảy ngầm, âm thầm nhưng bền bỉ, là nguồn nhiên liệu nội tâm giúp con người tiếp tục bước đi dù không còn ánh hào quang, không có tiếng vỗ tay hay thậm chí đang đối mặt với thất bại.
Động lực chính là lý do khiến con người bắt đầu một hành trình, là thứ giữ họ kiên định khi vấp ngã, và là mối liên kết bền chặt giữa cá nhân và mục tiêu dài hạn. Khi một người tìm được lý do đủ sâu sắc, tin vào ý nghĩa của việc mình đang làm, họ sẽ có sức mạnh để vượt qua mọi thử thách. Ngược lại, nếu thiếu vắng lý do rõ ràng, họ sẽ dễ dàng bỏ cuộc ngay cả khi hành trình tưởng chừng đơn giản.
Tổng hòa từ ba học thuyết nền tảng gồm tháp nhu cầu Maslow, thuyết hai nhóm nhân tố Herzberg và thuyết tự quyết của Deci & Ryan cho thấy, động lực không xuất phát từ một nguồn duy nhất. Nó là sự kết hợp giữa yếu tố nội tại và hoàn cảnh bên ngoài, giữa lý trí và cảm xúc, giữa hiện thực và khát vọng. Một trong những ngộ nhận phổ biến nhất trong quản trị hiện nay là cho rằng người lãnh đạo giỏi phải biết “truyền động lực” cho nhân viên mỗi ngày. Thực tế, động lực không phải là thứ có thể truyền như ánh sáng hay âm thanh. Đó là nội lực – chỉ có thể được khơi dậy từ bên trong mỗi người.
Theo ông Lê Nhật Trường Chinh, lãnh đạo giỏi không phải là người luôn cổ vũ, động viên, mà là người biết cách kiến tạo môi trường làm việc nơi mỗi cá nhân tự tìm thấy lý do để cống hiến. Khi nhân viên cảm thấy ý nghĩa và sự phát triển trong công việc, họ sẽ làm việc với tinh thần chủ động mà không cần bị nhắc nhở. Nhưng nếu môi trường đó đầy rẫy sự kiểm soát, đánh giá sai lệch, hoặc thiếu ghi nhận, thì dù người đó có động lực mạnh mẽ đến đâu, nội lực ấy cũng dần bị bào mòn.
Động lực và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ hai chiều rõ rệt. Một người làm việc không mục tiêu, không tìm thấy ý nghĩa thường dễ rơi vào trạng thái kiệt sức, mệt mỏi kéo dài, thậm chí đánh mất phương hướng sống. Trong khi đó, người cảm thấy công việc của mình có giá trị, được công nhận và nhìn thấy sự tiến bộ mỗi ngày, thường sẽ duy trì được tinh thần tích cực, khả năng phục hồi mạnh mẽ và trạng thái cân bằng lâu dài.
Thay vì cố gắng "truyền động lực", điều các tổ chức cần làm là không phá vỡ động lực vốn đã tồn tại bên trong nhân viên. Thực tế, phần lớn nhân sự đều mang theo nhiệt huyết khi mới gia nhập tổ chức. Nhưng sự thiếu công bằng, lãnh đạo thờ ơ, và môi trường làm việc kém tương tác đã vô tình làm xói mòn ngọn lửa ấy theo thời gian. Do đó, điều quan trọng không phải là tạo ra động lực, mà là bảo vệ và giữ gìn nó. Những hành động tưởng chừng nhỏ bé như ghi nhận nỗ lực kịp thời, giao việc có ý nghĩa, trao quyền và tin tưởng vào quyết định của nhân viên hay tạo cơ hội học hỏi cũng chính là cách để nuôi dưỡng nội lực đó mỗi ngày.
Thay vì hỏi “Làm sao để thúc đẩy nhân viên?”, hãy bắt đầu bằng câu hỏi: “Chúng tôi đã làm gì khiến họ mất động lực?” Câu hỏi đúng sẽ dẫn đến hành động đúng – và từ đó, nguồn năng lượng tưởng chừng đã lụi tắt sẽ được thắp sáng trở lại.
Nghiên cứu từ Đại học Oxford năm 2024 cùng các tổ chức như Gallup và McKinsey đã chỉ ra rằng, nhân viên có động lực cao gắn bó lâu dài hơn, tỷ lệ nghỉ việc giảm đến 40%, năng suất tăng lên 18-23%. Các doanh nghiệp sở hữu chỉ số động lực cao cũng thường duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định và giữ chân đội ngũ nòng cốt hiệu quả.
Rõ ràng, động lực không chỉ là một chỉ số quản trị nhân sự. Đó là một chỉ số sức khỏe toàn diện phản ánh sự bền vững và khả năng phát triển thực sự của một tổ chức.