Doanh nghiệp được 'gỡ' hàng trăm tỉ đồng tiền thuế từ sửa đổi Nghị định 20

00:00 12/10/2020

Hàng loạt doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc sửa đổi Nghị định 20 quy định về các giao dịch liên kết sau gần 3 năm "đấu tranh"..

Với Nghị định 20 sửa đổi, không chỉ có Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) mà thêm doanh nghiệp khác dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi khi nâng tỷ lệ giới hạn lãi vay được khấu trừ thuế và cho phép hồi tố khoản thuế đã nộp. Ảnh minh họa: DNCC

Được hoàn tiền thuế đã nộp

Ngày 24-6, Chính phủ thông qua Nghị định 68/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3, điều 8 Nghị định 20/2017 có mục đích chính là chống chuyển giá, giảm rủi ro cho ngân hàng và giúp thị trường minh bạch hơn. Tuy nhiên, từ khi ra đời vào năm 2017 đến nay, một số quy định trong Nghị định này lại bị “tố” là gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nội địa, đi sai với tinh thần “chống chuyển giá”.

Theo đó, các ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp và chuyên gia về dự thảo trước đó đều được sửa đổi. Chẳng hạn như đối tượng áp dụng từ chi phí lãi vay gộp thành chi phí lãi vay thuần (tức trừ đi lãi tiền gửi và lãi cho vay); tỷ lệ khống chế được nâng từ mức không quá 20% EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) lên mức 30%; phần chi phí lãi vay không được khấu trừ thì được chuyển toàn bộ sang kỳ kế tiếp.

Đặc biệt hơn, các quy định này được tính từ kỳ thuế năm 2019 (trước đó là 2017) và áp dụng hồi tố cho những doanh nghiệp đã tính thuế từ năm 2017, năm 2018.

 

Nguồn: Yuanta Việt Nam

 TBKTSG Online đã đưa tin về một trường hợp hi hữu gần đây, đó là việc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã “tự ý” thực hiện các quy định mới trong báo cáo tài chính năm 2019 được kiểm toán, trong khi Nghị định sửa đổi vẫn đang chờ ký.

Cụ thể, HAGL đã hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp tại ngày 31-12-2018 với số tiền hơn 335 tỉ đồng, đồng thời không ghi nhận khoản dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự theo quy định của Nghị định 20 với số tiền ước tính là 147 tỉ đồng.

“Chúng tôi hiểu rằng mục đích của Nghị định 20 là chống chuyển giá và đối tượng của thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là thu thuế trên lợi nhuận chịu thuế “hợp lý”. Tuy nhiên, công ty không phải là đối tượng của chống chuyển giá và cũng đang bị lỗ nặng, nên việc công ty phải nộp thuế TNDN do bị loại chi phí lãi vay phát sinh (Nghị định 20 loại cả lãi vay của ngân hàng độc lập và cũng không cho bù trừ với thu nhập lãi cho vay lại) vượt 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong năm là không hợp lý”, văn bản giải trình của HAGL khi đó có đoạn.

Nguồn: FiinGroup, Yuanta VN

 Với Nghị định 20 sửa đổi, không chỉ có HAGL mà thêm doanh nghiệp khác dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi khi nâng tỷ lệ giới hạn lãi vay được khấu trừ thuế và cho phép hồi tố khoản thuế đã nộp.

Theo công bố của Bộ tài chính, sẽ có khoảng 4.875 tỉ đồng được hoàn lại hoặc khấu trừ cho doanh nghiệp. Còn theo ước tính của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, con số doanh nghiệp trên 2 sàn niêm yết là vào khoảng 2.374 tỉ đồng

Trong số này, có thể liệt kê một số công ty được hoàn thuế nhiều, bao gồm VinGroup, Masan, Vinhomes, Novaland, Hoa Sen, HAGL, Nông nghiệp Quốc tế HAGL, Mía đường TTC, Than Hà Lầm, Idico,… với số tiền từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng.

Bất động sản được hưởng lợi nhất?

Thống kê của FiinGroup được Yuanta Việt Nam dẫn lại, dựa trên dữ liệu 3 năm gần đây thì những ngành dẫn đầu về tỷ lệ vay nợ (chi phí lãi vay trên EBITDA) bao gồm lĩnh vực Xây dựng và vật liệu (24,2%), Ô tô và và Phụ tùng (23,9%) và Bất động sản (20,9%).

Lĩnh vực bất động sản nói chung (bao gồm phát triển dự án và xây dựng liên quan) thường có tỷ lệ vay nợ lớn từ trước đến nay nhưng hiện nay lại có diễn biến trái chiều nhau.

Cụ thể, trong những năm qua thì nhóm ngành Xây dựng và Vật liệu xây dựng đang có xu hướng tăng nhanh vay nợ (tỷ lệ chi phí lãi vay trên EBITDA từ 20% năm 2016 lên trên 26% vào năm 2019); còn nhóm bất động sản đang có xu hướng giảm xuống dưới mức 20% trong những năm gần đây.

Một lý do là vì các công ty bất động sản chuyển dự án sang công ty con nắm giữ, nên hình thức luân chuyển vốn là góp cổ phần chứ nhiều hơn là cho vay. Thêm nữa, ngân hàng cũng cho vay thẳng đến các công ty con.

“Đối với các công ty con thực hiện các dịch vụ đi kèm các dự án, nhiều tập đoàn đã tính tới việc thuê ngoài các dịch vụ và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ. Điều này giải quyết được việc thiếu vốn ở công ty con và tránh được hạn chế của Nghị định 20”, báo cáo của Yuanta Việt Nam nhận định.

Do đó, theo Yuanta Việt Nam, về dài hạn thì Nghị định sửa đổi sẽ không làm gia tăng đáng kể giá trị cho các công ty Bất động sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, Nghị định sửa đổi là “tin mừng” đối với lĩnh vực bất động sản.

Nguồn: FiinGroup, Yuanta VN

Ước tính chung cho thấy tỷ lệ chi phí lãi vay trên EBITDA trung bình chỉ vào khoảng 16% (loại trừ các doanh nghiệp trong lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm), vẫn thấp hơn nhiều so với mức khống chế tỷ lệ lãi vay không được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do đó, việc sửa đổi Nghị định này nhìn chung không tác động nhiều tới thị trường chứng khoán. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ với nhu cầu sử dụng vốn vay cao sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhất, theo chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam.

Dù vậy, ở một số trường hợp cụ thể thì nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí lãi vay cao sẽ được hưởng lợi lớn. Điển hình có thể kể tên như Xây dựng Hòa Bình (HBC), Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII),  Đạt Phương (DPG), Khu công nghiệp Hiệp Phước (HPI), Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO (HTI), Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC), Viglacera Tiên Sơn (VTI), Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM), Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC).

Sửa đổi Nghị định gây nhiều tranh cãi từ khi ra đời

Có hiệu lực từ ngày 1-5-2017, Nghị định 20 ra đời với mục tiêu cao nhất là chống chuyển giá, chuyển nợ với mục đích trốn, "né" thuế với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ dẫn lại thông tin từ Bộ Tài chính, cho biết từ 1-5-2017 tới hết năm 2018, đã có khoảng 11.970 đơn vị kê khai quan hệ liên kết. Trong đó, năm 2017 có 6.604 đơn vị và năm 2018 là 7.785 đơn vị phát sinh giao dịch liên kết. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85%, còn lại là doanh nghiệp nội địa có phát sinh giao dịch liên kết.

Việc thực hiện các quy định về chống chuyển giá theo Nghị định 20 đã giúp cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính thu về ngân sách mỗi năm 11.089 tỉ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt là 2.089 tỉ đồng, giảm khấu trừ bình quân 75 tỉ đồng, giảm lỗ 8.925 tỉ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân là 7.732 tỉ đồng.

Tuy Nghị định này tập trung chủ yếu vào các tập đoàn đa quốc gia vì sự khác biệt về thuế suất ở các quốc gia, nhưng kể từ khi thực hiện thì các doanh nghiệp nội lại than phiền nhiều hơn, đặc biệt là những tập đoàn tư nhân lớn, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có điểm chung là vay nợ nhiều và sở hữu nhiều công ty con.

Một trong những khó khăn lớn nhất là quy định “áp trần lãi vay 20%”. Thông thường, chi phí lãi vay được khấu trừ thuế, nhưng theo quy định thì tối đa chỉ được 20% tổng lợi nhuận (lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và khấu hao trong kỳ). Nói nôm na, nếu chi phí trả lãi vay trong kỳ nhiều hơn mức tối đa thì phần dư ra không được xem là chi phí hoạt động, không được khấu trừ thuế nữa.

Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó nếu có nhiều công ty liên kết, công ty con, nhiều giao dịch với nhau. Điều này đặc biệt đúng với các mô hình tập đoàn tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều công ty mẹ đi vay vốn, sau đó cho vay lại các công ty trong nhóm của mình.

Dũng Nguyễn