Doanh nghiệp chờ hỗ trợ vì dịch Covid-19

00:00 12/10/2020

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: du lịch, hàng không, dệt may, da giày, điện tử… đang hoạt động cầm chừng vì ảnh hưởng dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra và chờ gói cứu trợ của Chính phủ.

Doanh-nghiep-9566-1581581421.jpg

Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu sản xuất (Ảnh internet)

Doanh nghiệp lao đao vì dịch

Theo tính toán bước đầu của Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB), ngành du lịch trong quý I có thể thiệt hại 7 tỷ USD và nếu kéo dài tới quý II thì mức độ thiệt hại có thể vượt 15 tỷ USD.

Trong khi đó, ước tính thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.

Còn theo đánh giá của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ảnh hưởng của dịch Covid-19 với lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn. Ảnh hưởng này không chỉ là trước mắt, mà có thể còn kéo dài, bởi dịch bệnh chưa biết bao giờ mới dừng lại.

Đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là một trong những nền kinh tế khu vực châu Á chịu nhiều tác động tiêu cực về xuất khẩu sang Trung Quốc (chỉ sau Đài Loan) do dịch bệnh Covid-19, với mức thiệt hại ước tính khoảng 0,44 điểm phần trăm GDP khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% trong 3 tháng tới.

Theo chiều ngược lại, trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc, rất nhiều hàng hóa là nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đang bị “tắc” do Trung Quốc dừng xuất khẩu.

Thống kê năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 11,52 tỷ USD hàng dệt may, da giày từ Trung Quốc, chiếm 47,74% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam. Tương tự, Trung Quốc là đối tác lớn nhất cung cấp hóa chất và sản phẩm từ hóa chất, chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo cho Việt Nam, đạt lần lượt 3,23 tỷ USD (chiếm 30,6% tổng kim ngạch mặt hàng này) và 3,99 tỷ USD (chiếm 25,7% tổng kim ngạch mặt hàng này).

Điều đó cho thấy một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, điện tử... cũng đang gồng mình với dịch Covid-19, bởi phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, sẽ chịu tác động tiêu cực (nhất là trong quý I và quý II/2020) do thiếu nguyên liệu đầu vào, gián đoạn chuỗi cung ứng (trong khi tồn kho và nguồn thay thế còn hạn chế).

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cho biết, công ty chuyên sản xuất giầy lưu hóa, giầy thể thao, ép phun với tỷ lệ nội địa hóa cao (đế giày 100% nguyên liệu trong nước, vật tư mũ 100% trong nước, các chi tiết trang trí cũng đạt 100% từ trong nước), nhưng một số vải đặc chủng (như vải dệt kẻ, vải in hoa...) thì vẫn cần nhập khẩu từ Trung Quốc.

"

Hiện tại, nguyên liệu của công ty còn đủ sản xuất đến giữa tháng 3 tới, việc nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có thể tiếp tục trở lại vào giữa hoặc cuối tháng 2/2020.

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc công ty Giovanni Group, tình hình sản xuất kinh doanh của quý I/2020 đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu. Các kế hoạch của nhà máy tham gia các chương trình triển lãm phục vụ cho việc phát triển giai đoạn 2020 - 2025, các hội chợ kết nối giao thương... cũng bị ảnh hưởng. Do đó, công ty sẽ điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Doanh nghiệp cần "trợ sức"

Trước tình huống cấp bách này, các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp cho biết họ cần được "cấp cứu" khẩn từ Chính phủ.

Thực tế, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành một loạt chính sách để hạn chế các ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra như miễn thuế nhập khẩu các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng; giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho các khách hàng trồng trái cây, du lịch, hàng không... Cùng với đó là biện pháp kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, rau củ, vật tư tiêu dùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, việc có các chính sách hỗ trợ ngay lập tức trước diễn biến bất thường của dịch bệnh là cần thiết, có hiệu ứng tâm lý tích cực, làm tăng lòng tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân, nhưng cần giám sát để các hỗ trợ này đến đúng địa chỉ và phát huy hiệu quả cũng là câu chuyện cần được quan tâm

Thực tế, thời gian qua, không ít gói hỗ trợ đến nhầm địa chỉ hay triển khai còn nhiều hạn chế, vướng mắc khiến người dân, doanh nghiệp gặp thêm khó khăn. Đơn cử câu chuyện “đổi tàu để đổi đời” theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP hỗ trợ ngư dân vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đóng tàu vỏ thép đang rơi vào bế tắc khiến ngư dân "ôm" nợ khủng, còn ngân hàng "gom" thêm nợ xấu.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc nêu rõ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Trong đó có giải pháp tính toán kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

Thanh Hoa