Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cần được thực hiện sớm và bảo đảm các yếu tố kinh tế - xã hội

00:00 12/10/2020

Vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã nhiều lần được đưa ra bàn thảo và lần nào cũng nhận được sự quan tâm trên tất cả các diễn đàn, từ báo chí chính thống đến mạng xã hội. Cũng là điều dễ hiểu bởi đây là chủ đề liên quan thiết thực đến tất cả người lao động. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là bài toán dễ giải với bất cứ quốc gia nào, bởi xác định đúng tuổi nghỉ hưu cần dựa trên các nguyên tắc bảo đảm sự phát triển hài hòa kinh tế - chính trị - xã hội, phù hợp với xu thế phát triển về nhân khẩu học, về tâm sinh lý học, về bình đẳng giới cũng như về sức khỏe và đặc điểm của điều kiện lao động trong từng nhóm ngành nghề…

Thể chế hóa Nghị quyết của Đảng

Với quan điểm hướng tới BHXH toàn dân, mở rộng sàn an sinh xã hội để tất cả người hết tuổi lao động đều có lương hưu và từng bước cải thiện đời sống người nghỉ hưu, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa ra nhiều định hướng chỉ đạo lớn, trong đó có vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung…

Sau gần 25 năm thực hiện BHXH theo mô hình tập trung, thống nhất, trước những yêu cầu cấp thiết phải xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tại Nghị quyết nêu rõ: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực".

Theo tinh thần này, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần phù hợp quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, bảo đảm hài hòa cung – cầu lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội.

Mặt khác, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần tính đến bảo vệ nhóm lao động yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.

Việc điều chỉnh nào cũng cần bảo đảm tính khả thi trong thực thi các điều kiện, tiêu chuẩn lao động; bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, tại Tờ trình Bộ Chính trị về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 và thực hiện kể từ năm 2021 với lộ trình phù hợp. Cụ thể hóa các nội dung này, tại Dự án Bộ luật Lao động Sửa đổi, Chính phủ đã đề xuất hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:

Phương án 1: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định:

Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Việc hoàn thiện và trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, chính là nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, về cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và kiến tạo khung pháp luật về lao động, nhằm phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao./.

 Góc nhìn từ thực tiễn

Tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh đưa Việt Nam tiệm cận gần với ngưỡng dân số già, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cũng được cải thiện nhiều với tỷ lệ sống khỏe sau 60 tuổi đứng thứ 41/183 quốc gia… - Đó là những con số tổng kết từ thực tiễn cho thấy sự cần thiết cũng như tính khả thi khi thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.

Trong quá trình phát triển, việc điều chỉnh các chính sách kinh tế, xã hội cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng giai đoạn, từng thời kỳ là việc mà tất cả các quốc gia đều phải đối mặt. Có những chính sách khi điều chỉnh sẽ được nhận được sự đồng thuận, có những chính sách ít nhận được sự đồng thuận nhưng đứng trên góc nhìn thực tiễn vẫn phải triển khai. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thường ít nhận được sự đồng thuận, điều này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà với hầu hết các nước. Vậy thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu gì để cần xem xét, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu?

Thứ nhất, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó với sự thiếu hụt lao động trong tương lai.

Theo báo cáo thống kê từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổ chức lao động Quốc tế, 15 năm năm trước, những năm 2004 - 2009, mỗi năm lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,2 triệu người. Năm năm gần đây, từ 2014-2019, mỗi năm tăng chỉ 400 nghìn người, tức là chỉ tăng bằng 1/3 so với 15 năm trước. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang bước nhanh ra thời kỳ dân số vàng để chuyển sang giai đoạn dân số già. Nếu không mở rộng tuổi nghỉ hưu, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai. Kinh nghiệm các nước là phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tiến hành sớm, từ trước khi bước sang giai đoạn già hóa dân số thì mới kịp thời ứng phó. Đây chính là thời điểm phù hợp để chúng ta tiến hành điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai.

Thứ hai, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm hướng tới thực hiện các công ước quốc tế về bình đẳng giới.

Trong suốt thời gian qua, chúng ta đã duy trì khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là 05 tuổi với lý do với các đặc điểm thể chất, tâm sinh lý, phụ nữ cần được nghỉ ngơi sớm hơn nam giới. Nhưng thực tế cho thấy, khi tuổi nghỉ hưu của nam và nữ chênh lệch quá lớn, sẽ hạn chế cơ hội làm việc và thăng tiến của phụ nữ. Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, vì tuổi nghỉ hưu sớm hơn 05 năm nên cơ hội việc làm và thăng tiến của nữ thấp hơn nam. Cũng vì nghỉ hưu sớm hơn nên mức lương tối đa khi đi làm của nữ cũng thấp hơn, thời gian tham gia BHXH ngắn hơn, do vậy lương hưu của nữ cũng thấp hơn nam. Vì vậy, cuộc sống khi về già của phụ nữ khó khăn hơn nam giới. Theo Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, khuyến nghị tuổi nghỉ hưu nam và nữ thu hẹp lại tiến tới bằng nhau.

Thứ ba, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu bảo đảm phù hợp sức khỏe và nhu cầu của người lao động.

Khi dự thảo Bộ luật Lao động được đưa ra xin ý kiến rộng rãi, nhiều người lo lắng tuổi thọ của Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 thấp. Vậy liệu sau tuổi 60 người lao động có còn đủ sức khỏe để đi làm?

Theo số liệu được công bố tại Website của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với lần truy cập gần nhất ngày 06/4/2018, khảo sát số liệu đánh giá về chỉ số sống khỏe mạnh sau 60 tuổi của 183 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 41, tức là chúng ta đứng sau 40 nước và đứng trên 142 nước. Số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 của Việt Nam là 17 năm, quốc gia có chỉ số cao nhất là Singapore với 21 năm và Nhật Bản đứng thứ ba với 20,8 năm. Ngay tại 46 quốc gia trong khu vực châu Á, đánh giá về chỉ số sống khỏe mạnh sau tuổi 60, Việt Nam chỉ đứng thứ năm sau Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. Việc điều chỉnh phụ nữ tăng thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi có thể khả thi khi nhìn vào chỉ số này.

Số liệu này hoàn toàn có thể tin cậy khi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, với 96,4% xã, phường có trạm y tế, rất nhiều mặt về đời sống được cải thiện. Chúng ta loại trừ nhiều dịch bệnh. Việc tiếp cận y tế ở từng vùng, miền có thể còn có những điều chưa thực sự hài lòng nhưng được cải thiện rất nhiều và rất rõ rệt.

Thứ tư, bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng – hưởng BHXH và góp phần cải thiện đời sống người nghỉ hưu.

Với việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, mức lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động trước khi nghỉ hưu sẽ cao hơn; số năm tham gia BHXH nhiều lên, đồng nghĩa với việc tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn và mức tiền lương bình quân làm căn cứ tính hưởng lương hưu cao hơn. Quyền lợi BHXH của người lao động cũng sẽ tốt hơn, mức lương hưu cao hơn bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi nghỉ hưu. Mặt khác, với những năm đóng BHXH vượt lên, người lao động vẫn được nhận trợ cấp BHXH một lần khi nghỉ hưu.

Tất nhiêu, bên cạnh đó cũng có những trường hợp ngoại lệ như có những công việc, ngành nghề khó có thể làm việc đến tuổi 60 và 62, nhưng những trường hợp ngoại lệ này vẫn sẽ có những quy định linh hoạt, đồng thời bên cạnh đó cũng cần có những chính sách đồng bộ, tổng thể hơn về đào tạo nghề, đào tạo chuyển đổi nghề với một số ngành, nghề có tuổi nghề ngắn...

Từ những phân tích trên có thể thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lần này đã được các cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc, thận trọng. Các căn cứ thực tiễn nêu trên cho thấy, vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã chọn được thời điểm thích hợp và thực sự là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn.

Ths. Dương Ngọc Ánh