Còn điều kiện kinh doanh như 'dao treo trên đầu' doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Chính phủ rất nỗ lực, quyết tâm trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng nhiều bộ ngành, địa phương còn chuyển biến chậm. Một số điều kiện kinh doanh tồn tại như "con dao" lơ lửng trên đầu doanh nghiệp, cản trở họ phát triển.

Tại Hội thảo "Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp" ngày 24/6, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã nêu ra nhiều trở ngại mà doanh nghiệp (DN) thủy sản đang gặp phải.

Chưa có tiếng nói chung 

Đại diện Vasep nêu vấn đề: 4 - 5 năm qua, Chính phủ đều có Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu rất trọng số, nhưng tại sao DN vẫn gặp khó khăn? Đặc biệt, những chính sách gây cản trở cho DN đều mới được ban hành sau năm 2015 (giai đoạn đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh). 

thu-tuc-hanh-chinh-2717-1592988574.jpg

Doanh nghiệp toát mồ hôi với thủ tục "hành là chính" (Minh họa: Internet) 

Nhắc tới vướng mắc về mã số, mã vạch, ông Nam cho biết: "Khi Vasep làm việc với Bộ KH&CN để giải quyết những vướng mắc về vấn đề này, họ nói chúng tôi chỉ là một hiệp hội trong số 300 - 400 hiệp hội ngành hàng xuất khẩu. Họ bảo sửa một nghị định khó khăn lắm, mất nhiều thời gian lắm nhưng tôi thấy chỉ 1 - 2 tháng là xong".

Ông Nam cũng chia sẻ: "Khi chúng tôi báo cáo theo đúng tinh thần của Chính phủ để kiến nghị quy định này phải sửa đổi, người ta lại tìm mọi câu từ hay nhất của từ điển bách khoa để chứng minh trong giai đoạn đó việc ban hành chính sách này chỉ có đúng mà thôi!".

Ngoài ra, trong lĩnh vực lao động, có những văn bản quy định về lao động ban hành từ năm 1990 - 1999, cách đây 20 - 30 năm nhưng đến nay vẫn chưa hết hiệu lực và đang làm khó DN.

"Một số điều kiện kinh doanh đang giống như "con dao" lơ lửng trên đầu DN, cản trở chúng tôi tham gia vào thị trường trong nước và quốc tế, khiến đối tác huỷ đơn hàng xuất khẩu của DN", đại diện Vasep nhấn mạnh.

Cùng với đó, kiến nghị về điều kiện gia nhập thị trường, ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết việc sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng vẫn do Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành vì mục đích điều hành chính sách tiền tệ (Nghị định 24 của Chính phủ về quản ký kinh doanh vàng và Nghị định 51 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước).

Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực mà Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng cần được xem xét lại theo hướng lâu dài và hội nhập quốc tế. Tất cả các nước trên thế giới không có ngân hàng trung ương nào sản xuất vàng miếng, còn đối với Việt Nam vẫn còn do Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành.

Vì vậy, theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, liên quan đến sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng không nên đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện tại phụ lục 4 của Luật Đầu tư (nằm trong danh mục 242).

Yêu cầu đột phá thể chế rất quan trọng 

Với ngành hàng không, Luật sư Vũ Đặng Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật TNHH SMiC, cho rằng DN kinh doanh vận chuyển hàng không được thành lập trước giai đoạn 2014 chỉ cần thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Trong khi đó, DN kinh doanh vận chuyển hàng không được thành lập từ sau năm 2014 trở đi buộc phải thực hiện đồng thời 2 thủ tục xin cấp chủ trương đầu tư và giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. 

Điều đáng nói là cả hai thủ tục này đều thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng nhưng không được phép gộp. Điều đó dẫn tới DN hàng không gia nhập thị trường có nhiều khó khăn, hạn chế hơn so với các hãng đang hoạt động.

Đồng thời, trong quá trình hoạt động, nếu DN kinh doanh vận chuyển hàng không có điều chỉnh về quy mô số lượng tàu bay hay các điều chỉnh khác sẽ phải đồng thời thực hiện cả hai thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy phéo kinh doanh vận chuyển hàng không (các DN kinh doanh vận chuyển hàng không thành lập trước năm 2014 sẽ không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư).

Về thủ tục thành lập DN, Ts. Nguyễn Thị Hải Yến - Đại học Luật Hà Nội, đánh giá một số thủ tục hành chính về đăng ký DN chưa được thực hiện song hành tự động trên mạng trực tuyến, tạo gánh nặng chi phí cũng như thời gian cho DN.

Cụ thể, sau 3 ngày, DN có giấy chứng nhận đăng ký DN nhưng sau đó phải làm thủ tục công bố mẫu dấu, thủ tục này cũng có kết quả sau 3 ngày. Khi có mẫu dấu, DN mới tiến hành mở tài khoản tại ngân hàng, bởi trong hồ sơ mở tài khoản, các ngân hàng đều yêu cầu DN phải đóng dấu vào hồ sơ giấy tờ.

Do vậy, bà Yến cho rằng, cần tích hợp các hoạt động đăng ký DN, đăng ký mẫu dấu trên cùng hệ thống đăng ký DN để đỡ mất thời gian cho chủ thể kinh doanh. Nếu có thể, hệ thống này nên kết nối với ngân hàng, bảo hiểm xã hội... để DN có thể mở tài khoản ngân hàng, thông báo số tài khoản ngay trên hệ thống cũng như kê khai bảo hiểm cho người lao động.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 đặt mục tiêu Việt Nam phải lọt vào nhóm ASEAN 4 về môi trường kinh doanh, ASEAN 3 về năng lực cạnh tranh, trong khi Việt Nam đến nay đang ở vị trí thứ 5 và thứ 7. 

"Điều này cho thấy yêu cầu đột phá về thể chế là vô cùng quan trọng để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đồng thời tận dụng được làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu về Việt Nam", ông Lộc nói. 

Mới thực chất cắt giảm được 40% điều kiện kinh doanh 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, báo cáo các bộ ngành gửi Chính phủ khẳng định có bộ ngành đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh, nhưng "đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ cắt giảm được khoảng 30 - 40% điều kiện kinh doanh".

Vừa qua, sau khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đầu tư kinh doanh, VCCI đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành sửa đổi, xóa bỏ 25 điểm chồng chéo của pháp luật về đầu tư kinh doanh.

Để phục vụ cho báo cáo điều kiện gia nhập thị trường, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết đơn vị này đã thực hiện khảo sát lấy ý kiến của các DN, hợp tác xã, UBND các tỉnh, thành phố bằng công văn và qua website Vibonline.

Kết quả, Ban Pháp chế đã tiếp nhận hơn 770 ý kiến phản ánh, kiến nghị từ các hiệp hội, DN gửi về. Từ kiến nghị của cộng đồng DN, nhóm nghiên cứu đã tiến hành rà soát 411 văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư kinh doanh, đưa ra 106 kiến nghị với các bộ, ngành.

Cụ thể, VCCI đã đề nghị các bộ, ngành sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư để khắc phục những chồng chéo, những rào cản về kinh doanh hiện nay.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu VCCI, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được bãi bỏ, cần điều chỉnh cho phù hợp vì nhiều nhóm ngành nghề đưa vào nhóm kinh doanh có điều kiện là cần thiết nhưng Nhà nước lại đang can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của DN.

Nhiều thủ tục gia nhập thị trường với DN còn rắc rối, chồng chéo, cần tiếp tục đơn giản thủ tục thực hiện, bởi đây chính là rào cản với các DN nhỏ và vừa khi tham gia thị trường.

Lê Thúy