Các Luật chưa thống nhất nên việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH gặp khó khăn

00:00 12/10/2020

Đó là lời chia sẻ của ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi trả lời phỏng vấn Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập xoay quanh vấn đề đảm bảo quyền lợi an sinh cho người lao động…

 Ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

 Xin ông cho biết về những kết quả của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm quyền lợi người lao động về BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian qua?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Tổ chức Công đoàn Việt Nam với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong những năm qua đã luôn chủ động trong việc tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để đoàn viên, người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN được hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, quyền lợi của mình.

Để người lao động có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích về BHXH, BHYT, BHTN cũng như thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, các cấp Công đoàn thường xuyên cập nhật các tài liệu tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN để cung cấp cho Công đoàn cơ sở và người lao động. Các Công đoàn cơ sở luôn quan tâm tập hợp, phản ánh các ý kiến của người lao động về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế. Ngoài ra, các Liên đoàn Lao dộng tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn cơ sở đã tổ chức được trên 20.000 cuộc tuyên truyền, tập huấn, hội nghị, cuộc đối thoại chính sách nói chung và chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng; đăng tải các tin, bài, phóng sự về công tác BHXH, BHYT, BHTN trên Bản tin nội bộ, các Trang tin điện tử của tổ chức Công đoàn... góp phần thực hiện tốt các chính sách, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN...

Trước tình hình các DN nợ đọng BHXH ngày càng tăng cao, năm 2014, Tổng liên đoàn Lao động đã chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐTB&XH và BHXH Việt Nam về giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình DN. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, Đoàn giám sát liên ngành cấp Trung ương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 DN thuộc 4- 6 tỉnh, thành phố.Thông qua hoạt động giám sát đã giúp các cơ quan chức năng nắm bắt, đánh giá rõ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các DN; phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý trong thực hiện chính sách.

Công đoàn Việt Nam với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ luôn chủ động trong tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm…Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong thời gian qua, tại 5 địa phương được Đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới trên 332 tỉ đồng. Có 7/14 DN được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1- 3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỉ đồng.Tại 14 DN được giám sát, có trên 1.200 NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được DN thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật... Kết thúc giám sát, Đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra trên 130 kết luận, kiến nghị đối với các DN và các cơ quan chức năng của 5 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tại thời điểm giám sát, gần 11 tỉ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được các DN khắc phục.

Trong quá trình khởi kiện cũng như đấu tranh giành quyền lợi BHXH cho người lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn đang ăn lương của chủ doanh nghiệp. Để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới,theo ông cần có giải pháp gì?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Nếu đề xuất chủ thể đứng ra để khởi kiện bảo vệ quyền lợi người lao động trong lĩnh vực bảo hiểm thì chúng tôi kiến nghị giao Công đoàn cấp trên cơ sở chứ không giao Công đoàn cơ sở. Thực tế áp lực cho Công đoàn cơ sở là rất lớn bởi họ rất khó làm đơn vì sau khi làm đơn bảo vệ người lao động xong có khi bị đuổi việc. Đây là một vấn đề về mặt pháp lý mà chúng ta cần phải giải quyết, do vậy pháp luật nên giao việc này cho Công đoàn cấp trên cơ sở. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang có đề án đào tạo Luật sư Công đoàn, trước mắt là từ nay đến năm 2023 thì có ít nhất 50 Luật sư Công đoàn được đào tạo nâng cao kiến thức về bảo hiểm, hợp đồng lao động, Luật Công đoàn, để sau này có những việc liên quan đến tranh chấp của người lao động thì có thể tham gia hoàn toàn độc lập bảo vệ quyền lợi người lao động. Chúng tôi nghĩ rằng, với lực lượng Luật sư trong tương lai cộng với giao vụ việc cho Công đoàn cấp trên cơ sở thì Công đoàn có thể khởi kiện mà vẫn đảm bảo được sự “an toàn”  cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Thưa ông, đối với những lao động chưa tham gia BHXH thì tổ chức Công đoàn có tiếp cận, bảo vệ không? Công đoàn có đề ra mục tiêu thu hút người lao động tự do tham gian BHXH trong thời gian tới?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Theo Hiến pháp, tổ chức Công đoàn bảo vệ người lao động chứ không phải Công đoàn bảo vệ đoàn viên nên kể cả người lao động tuy không phải là thành viên của Công đoàn nhưng trách nhiệm của chúng tôi vẫn bảo vệ. Một thỏa ước lao động tập thể hay một phúc lợi mà chúng tôi bảo vệ được ở một DN thì áp dụng cho tất cả mọi người, gồm cả đoàn viên và người lao động. Ví dụ DN có 75 % là đoàn viên nhưng thỏa ước lao động thì 100 % số người trong doanh nghiệp đều được hưởng.

Đối với người lao động khu vực phi chính thức, đang là vấn đề “đau đầu” của BHXH. Tuy nhiên, Công đoàn rất ủng hộ, chúng tôi luôn sãn sàng trong việc đồng hành, động viên những người lao động ở khu vực phi chính thức để họ tham gia vào đóng BHXH. Trên bình diện chung, với tư cách là tổ chức bảo vệ người lao động, cho dù người lao động là đoàn viên Công đoàn hay không, trong khu vực chính thức hay không chính thức thì Công đoàn luôn đồng hành với BHXH.

Với tư cách là tổ chức bảo vệ người lao động, cho dù người lao động là đoàn viên Công đoàn hay không, trong khu vực chính thức hay không chính thức thì Công đoàn luôn đồng hành với BHXH. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

DN nợ BHXH đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi BHXH. Hiện nay, việc tổ chức CĐ khởi kiện DN nợ BHXH còn gặp nhiều khó khăn mặc dù trong Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Tố tụng Dân sự, Luật CĐ đều có quy định CĐ đại diện cho NLĐ để khởi kiện DN nợ BHXH, ông lý giải sao về vấn đề này?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Do chưa có sự đồng nhất của các Luật trên, bởi có Luật thì quy định Công đoàn cơ sở được khởi kiện, có Luật quy định phải có chữ ký uỷ quyền của từng người lao động, trong khi đó có những DN có tới hàng vạn lao động… do đó khi Công đoàn tiến hành khởi kiện, nộp hồ sơ, nhưng nhiều nơi toà án từ chối thụ lý vụ án. Ngoài ra, rất ít cán bộ Công đoàn cơ sở “dám” đứng ra để khởi kiện chủ sử dụng lao động, bởi họ sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình… 

Để việc khởi kiện DN nợ BHXH được diễn ra thuận lợi, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động mong muốn được làm việc với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Toà án Nhân dân Tối cao, Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam để tìm ra giải pháp, điều chỉnh, những vướng mắc hiện nay; có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc công đoàn đại diện NLĐ khởi kiện chủ DN nợ BHXH, để các cấp CĐ khi chuyển hồ sơ sang, toà án sẽ tiếp nhận và các cơ quan tiến hành khởi tố hình sự đối với DN nợ BHXH.

Xin ông phân tích rõ hơn về những khó khăn, bất cập và vì sao nhiều vụ khởi kiện DN không được tòa án thụ lý?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Theo giải thích của Tòa án tối cao, quy định pháp luật hiện nay còn có nhiều bất cập và trên thực tế là 4 đạo luật, gồm Bộ luật Lao động, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Bảo hiểm, Luật Công đoàn khi quy định khởi kiện cùng về vấn đề BHXH nhưng lại có những quy dịnh khác nhau với hướng dẫn của UBTV Quốc hội. Tòa án cho rằng, trong việc thụ lý các vụ án  đảm bảo việc ủy quyền của người lao động hoặc Công đoàn cơ sở nhưng ở góc độ tổ chức đại diện cho người lao động, chúng tôi cho rằng Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của người lao động nên việc ủy quyền là không cần thiết. Ngoài ra về mặt thực tế, việc ủy quyền của người lao động hay Công đoàn cơ sở cho Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện vô cùng khó khăn vì có rất nhiều DN có hàng vạn người lao động và người lao động hay Công đoàn cơ sở khi thực hiện việc ủy quyền đồng nghĩa với việc họ có nguy cơ mất việc làm và những hệ lụy không cần thiết. Việc pháp luật lựa chọn Công đoàn cơ sở, giao cho cơ quan này có quyền khởi kiện là pháp luật dự liệu được rằng nếu Công đoàn cơ sở, người lao động ủy quyền là có thể ảnh hưởng. Nhiều cấp tòa cho rằng, đây là vụ việc không thuộc thẩm quyền của tòa án hoặc tòa án chỉ thụ lý sau khi các bên đã hòa giải và khi hòa giải không thành thì UBND cấp huyện giải quyết, khi UBND huyện giải quyết mà không đồng tình thì khởi kiện ra tòa án, chúng tôi cho rằng những cái chưa thống nhất về mặt pháp luật cũng như cách tiếp cận của tòa án đang trở thành những lý do dẫn đến những vụ khởi kiện chưa được thụ lý. Chính vấn đề này đã làm cho rất nhiều vụ án nợ BHXH và lan rộng ra số DN vi phạm vì họ thấy rằng pháp luật hình như  đang bó tay trước hành vi vi phạm này.

Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với tòa án để cùng bàn các giải pháp kiến nghị với UBTV Quốc hội để UBTV Quốc hội làm việc trực tiếp với các cơ quan, từ đó đề xuất ra các giải pháp nhằm lựa chọn các quy định pháp luật phù hợp, không duy biến để chúng ta xử lý các vấn đề vốn người lao động đang hết sức trông chờ. Khi pháp luật đã quy định thì người lao động chỉ biết rằng pháp luật cho phép khởi kiện mà chưa được khởi kiện thì điều đấy nghĩa là Công đoàn chưa làm tròn trách nhiệm.

Trân trọng cám ơn ông!

An Thảo ( thực hiện)