Vươn xa nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc

15:40 23/02/2021

Nghề làm nước mắm truyền thống đã có từ bao đời nay ở thành phố biển đảo Phú Quốc sẽ càng ngày càng vươn xa hơn nữa nếu như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trở thành di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, đơn vị đã phối hợp với TP. Phú Quốc lấy ý kiến các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh nước mắm nhằm hoàn thiện bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc, hoàn thành hồ sơ khoa học trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc vào danh mục DSVHPVT quốc gia.

Nước mắm Phú Quốc đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 200 năm, bắt đầu nổi tiếng từ những năm 1950. Từ năm 2001, Cục Sở hữu Công nghiệp đã công nhận tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc và đến năm 2005, Bộ Thuỷ sản đã ban hành Quy định tạm thời về sản xuất nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc, trong đó bắt buộc sau 3 năm, chỉ có nước mắm đóng chai tại Phú Quốc theo TCN230:2006 mới được chứng nhận xuất xứ từ Phú Quốc. Vào năm 2012, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ thương mại tại châu Âu. Hiện nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc chuyển dần theo hướng sản xuất quy mô, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhưng vẫn giữ tính gia truyền, đặc trưng riêng của nước mắm Phú Quốc.

Nhà thùng sản xuất nước mắm tại Phú Quốc
Nhà thùng sản xuất nước mắm tại Phú Quốc.

Bất cứ loại cá nào cũng có thể sử dụng để làm nước mắm, nhưng người sản xuất nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng cá cơm làm nguyên liệu. Đặc biệt, cá cơm sau khi được khai thác được trộn tươi trên tàu. Khi lưới cá vừa được kéo cặp mạn, cá sẽ được vớt bằng vợt, loại bỏ tạp chất và súc rửa bằng nước biển, sau đó trộn đảo ngay với muối với tỷ lệ 3 cá 1 muối rồi đưa xuống hầm tàu. Cách trộn cá tươi như vậy giữ cho thịt cá không bị phân huỷ, nước mắm có hàm lượng đạm cao nhất, không có mùi hôi. Với quy trình kỹ thuật truyền thống của địa phương cộng với bí quyết gia truyền của các cơ sở sản xuất tạo nên màu sắc, hương vị độc đáo riêng biệt được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng… Do vậy, một khi nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc được công nhận là DSVHPVT quốc gia sẽ là nguồn động viên rất lớn để người dân Phú Quốc phát triển nghề, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của thành phố đảo vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

Hiện Phú Quốc có trên 50 doanh nghiệp sản xuất nước mắm, hàng năm cung cấp ra thị trường 30 triệu lít nước nắm từ 20 đến 43 độ đạm, doanh thu hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Nhiều nhà thùng nước mắm tại Phú Quốc nhận định, việc nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc khi được công nhận là DSVHPVT cấp quốc gia không chỉ vinh danh nghề truyền thống mà còn vinh danh nét văn hóa bản địa và một sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Quốc. 

Ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc khẳng định: “Thời gian qua thành phố đã phối hợp các ngành chức năng, đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị công nhận nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc là DSVHPVT cấp quốc gia. Khi được công nhận đây sẽ là niềm vinh dự, tự hào của người sản xuất nước mắm Phú Quốc, từ đó sẽ động viên tinh thần và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên đảo phát triển nghề, góp phần quảng bá cho một sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện đảo Phú Quốc vươn xa thị trường trong nước và quốc tế. Thời gian tới, thành phố sẽ quy hoạch khu sản xuất nước mắm tập trung, xây dựng bảo tàng nước mắm Phú Quốc phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm nghề này”.

Trần Hà