VNREA: Cần nghị định có tính chất cởi mở để chuyển nhượng dự án

23:33 28/04/2023

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất, "cần nghị định có tính chất cởi mở để có thể chuyển nhượng được dự án, đặc biệt là các dự án đã xử lý gần xong".

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, để giải quyết triệt để vấn đề thị trường hiện nay cần xử lý chính sách nhanh hơn, chi tiết hơn, đặc biệt với nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh: "Trong giai đoạn này, đây là sản phẩm sẽ kích hoạt giao dịch tốt hơn trên thị trường, vốn đang trong tình trạng thiếu giao dịch trầm trọng. Có sản phẩm phù hợp thì chỉ số giao dịch sẽ tăng lên, các guồng quay được kích hoạt, ổn định trở lại".

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, cần xây dựng và sớm ban hành các quy định quy trình xử lý hồ sơ thủ tục cho các nhà đầu tư, trong đó có các khâu chuyển nhượng dự án, đấu thầu đấu giá, phê duyệt giá đất, lựa chọn chủ đầu tư… Đây là các vấn đề bị vướng nhiều nhất theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Cần nghị định có tính chất cởi mở để chuyển nhượng dự án
Cần nghị định có tính chất cởi mở để chuyển nhượng dự án.

Dẫn ra ví dụ cụ thể từ thực tế, ông Đính cho biết, không phê duyệt giá đất thì không được cấp phép xây dựng, dự án đắp chiếu nằm chờ. Do vậy, chuyển nhượng dự án là vấn đề mà các nhà đầu tư rất mong sớm được xử lý.

"Các doanh nghiệp suy yếu nhiều sau 2 năm đại dịch, không thể tiếp cận vốn, cần chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư có năng lực, từ đó thoát nợ, có vốn mới… Tuy nhiên theo quy định, phải có sổ đỏ mới được chuyển nhượng, nhiều dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng, để có sổ đỏ còn cần rất nhiều năm", ông Nguyễn Văn Đính nêu bất cập cần được tháo gỡ.

Từ thực tế này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất: "Cần Nghị định có tính chất cởi mở để có thể chuyển nhượng được dự án, đặc biệt là các dự án đã xử lý gần xong… đẩy nhanh việc đưa dự án mới tham gia thị trường, tạo nguồn cung hàng".

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tái cấu trúc để giảm chi phí sản xuất – kinh doanh, không chỉ nhằm sinh tồn mà để giảm giá thành sản phẩm.

Theo HoREA, việc chuyển nhượng dự án, một phần dự án là hoạt động kinh doanh "bình thường" thuộc "quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh" của doanh nghiệp đã được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014, 2020.

"Có ý kiến cho rằng, nếu cho phép chuyển nhượng dự án "thông thoáng" thì một dự án có thể chuyển nhượng nhiều lần, dẫn đến "đội giá" nhà ở, hoặc doanh nghiệp "lợi dụng xí phần" dự án rồi chuyển nhượng "kiếm chênh lệch giá, thu lợi bất chính". Song, chúng tôi nhận thấy không đáng quan ngại vì trong nền kinh tế thị trường thì giá cả do các quy luật thị trường quyết định, không phải do ý chí chủ quan của doanh nghiệp và nhà nước có nhiều công cụ để kiểm soát, quản lý thị trường bất động sản" - ông Lê Hoàng Châu nhìn nhận.

Hơn nữa, khi chuyển nhượng dự án, một phần dự án, doanh nghiệp phải nộp thuế, khắc phục tình trạng "chuyển nhượng chui, nấp bóng" dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần, thay đổi cổ đông, chuyển nhượng doanh nghiệp (thực chất là chuyển nhượng dự án) có thể làm thất thu, thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.

HoREA cho biết, pháp luật về đất đai quy định chủ đầu tư dự án chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Nghĩa vụ tài chính này chỉ thực hiện một lần. Bên nhận chuyển nhượng dự án thường là các tổ chức kinh tế có năng lực tài chính. Vì vậy, hoàn toàn có thể bổ sung quy định bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ này và không có "nguy cơ" làm thất thu, thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.

P.V (t/h)